14 tháng 7, 2009

Lối đi nào cho người khuyết tật?


"One of my goals is to give people hope."

Nick Vujicic
(Một trong những mục đích của đời
tôi là mang lại cho mọi người niềm hy vọng)

Những hình ảnh trong video clip về Nick Vujicic, một chàng trai Úc gốc Serbi, ngay từ lúc sinh ra đã không có tay chân, đã để lại cho tôi ấn tượng rất mạnh mẽ. Có lẽ cảnh xúc động nhất là lúc anh xoay xở dùng hai quyển sách một dầy, một mỏng để tựa đầu và đứng lên được từ tư thế nằm (không biết đối với người thanh niên này có thể dùng khái niệm "ngồi" hay không, khi mà toàn thân anh chỉ là một"khúc thịt" cao khoảng 70cm?). Con người đã phải trải qua hàng triệu năm tiến hóa mới đứng thẳng lên được, thế mà chỉ vì một phút "bất cẩn "của Tự nhiên, một con người mãi mãi không còn cơ hội để đứng được trên đôi chân của mình! Thông thường chỉ cần mất một chi là người ta đã gặp rất nhiều khó khăn, huống hồ là mất cả tứ chi. Thế mà Nick vẫn không buông xuôi và phấn đấu học xong bậc đại học. Hiện nay anh đi khắp thế giới với một thân thể không toàn vẹn để diễn thuyết và truyền bá niềm tin vào cuộc sống cho hàng triệu người...

Mỗi con người có một hoàn cảnh và một số phận khác nhau .Có thể do bẩm sinh hoặc cũng có thể do tai nạn, bệnh tật mà một người "bỗng dưng" bị khiếm khuyết một chức năng hoặc bộ phận nào đó trên cơ thể. Khi đó, họ được liệt vào danh sách "người khuyết tật". Năm 20004, cả nước Việt nam có hơn 5 triệu người không may mắn như vây. Đến bây giờ, sau 5 năm con số ấy chắc chắn còn cao hơn. Trong những mảnh đời bất hạnh ấy có bao nhiêu người có đủ nghị lực và ý chí để vượt qua số phận, để tạo dựng cho mình một cuộc sống đúng nghĩa? Ở Việt Nam mình thì từ lâu, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là một trong những điển hình của những người không đầu hàng số phận. Tuy nhiên, không phải người khuyết tật nào cũng làm được như thầy, thành công như thầy. Còn rất nhiều người khuyết tật vẫn còn phải sống lay lắt, mòn mỏi trong đớn đau và buồn tủi vì không có điều kiện và cơ hội để vươn lên.

Cách đây 16 năm, Liên hiệp Quốc đã thông qua "Các quy tắc chung về cơ hội bình đẳng cho người tàn tật", đưa ra những chỉ dẫn rất rõ ràng cho chính phủ các nước về cách thức tốt nhất để chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử và giúp người tàn tật hòa nhập vào các hoạt động của cộng đồng trong các lĩnh vực công ăn việc làm, giáo dục, giải trí ...
Từ ấy đến nay, nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực trong cách nhìn nhận và đối xử với người khuyết tật. Tuy nhiên, từ chính sách đi đến thực tế là cả một khoảng cách. Những hoạt động như dạy nghề, tặng xe lăn, mở lớp học tình thương, tặng máy trợ thính, tặng thẻ BHYT, miễn vé xe buýt v.v…của Hội Chữ Thập đỏ, Hội bảo trợ người tàn tật và các ban ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm là vô cùng đáng quý nhưng so với nhu cầu thật sự của người khuyết tật thì vẫn chưa đủ. Chủ yếu, người khuyết tật vẫn phải tự bươn chải, vươn lên là chính. Đôi lúc, đôi nơi không những họ không được hỗ trợ mà còn bị phân biệt trong đối xử, thậm chí bị đối xử bất công (Báo chí đưa tin là xe buýt ở thành phố HCM thường chạy luôn không dừng lại nếu lái xe thấy người đón xe là người khuyết tật).

Người ta thường nói giúp người thì nên giúp cần câu hơn là cho con cá. Điều quan trọng nhất đối với một người khuyết tật là có được việc làm để tự nuôi sống bản thân mình, để cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và từ đó họ sẽ dễ dàng hòa nhập vào đời sống kinh tế và xã hội của cộng đồng. Thế nhưng để có thể có việc làm và làm được việc, ngừoi khuyết tật cần được hỗ trợ hơn nữa về giáo dục và đào tạo. Về mặt này, rõ ràng các nước phát triển có khả năng và điều kiện làm tốt hơn Việt Nam rất nhiều. (Có thể bị cho là thiếu lạc quan và thiếu niềm tin nhưng tôi vẫn thường tự hỏi nếu Nick Vujicic là người Việt Nam, không biết anh có thể vượt qua được số phận nghiệt ngã của mình và thành công như hiện nay hay không ?)

Số người khuyết tật được đào tạo về chuyên môn ở Việt Nam không nhiều. Hơn nữa, không phải lãnh đạo doanh nghiệp nào, dù là nhà nước hay tư nhân cũng muốn nhận họ làm việc cho mình. Có những người khuyết tật, tuy đã được đào tạo (thậm chí đã tốt nghiệp đại học) nhưng vẫn phải chịu cảnh thất nghiệp. Tuy vẫn có những giám đốc, những chủ doanh nghiệp vừa có "tầm", vừa có tâm sẵn sàng dang tay đón nhận người khuyết tật nhưng rõ ràng là số người có tấm lòng đáng trân trọng như vậy vẫn còn ít.

Mặc dù người Việt nam có truyền thống "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách", có những người có thể nói là dành cả đời mình để làm từ thiện. Tuy nhiên, chỉ trông chờ vào những tấm lòng như vậy là chưa đủ. Chính phủ cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao nhận thức trong toàn thể cộng đồng về quyền làm người của người khuyết tật, khơi dậy sự cảm thông và chia sẻ hơn nữa với họ cả về vật chất lẫn tinh thần để giúp họ hòa nhập thật sự vào mọi mặt của đời sống. Bên cạnh đó, những chính sách đưa ra cần cụ thể và phải có biện pháp giám sát trong khi thi hành những chính sách ấy sao cho có tình có lý. Đừng để xảy ra những việc làm không hợp lòng dân như vụ cấm xe ba bánh tự chế của người khuyết tật trong thời gian vừa qua. (*)

Cũng là một người khuyết tật, tôi mang trong lòng rất nhiều trăn trở của những người cùng cảnh ngộ. Tôi hiểu, với những người như tôi, tin học có lẽ là môn thích hợp nhất để theo học, để nuôi hy vọng rằng rồi một ngày nào đó sẽ có được việc làm từ những kiến thức mà mình thu lượm được. Bởi vậy, vừa tốt nghiêp lớp Bác Sĩ Máy tính của Trung tâm Tin học An Tiến, tôi lập tức ghi danh học tiếp lớp MCSA cũng ở trung tâm này. Ngồi học ở một lớp mà mình là người khuyết tật duy nhất đồng thời cũng là hoc viên lớn tuổi nhất, đôi lúc tôi cảm thấy thiếu tự tin. Việc học lại khá căng, có nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi và luôn băn khoăn không biết sau này mình có tìm được việc làm hay không, nhưng tôi vẫn cố gắng học thật tốt và kiên quyết không bỏ cuộc. Bởi vì tôi biết HỌC là con đường duy nhất có thể giúp tôi biến mong ước của mình thành hiện thực. Con đường dành cho tôi và những người cùng cảnh ngộ với tôi còn dài và có lẽ còn đầy những khó khăn đang chờ đợi ở phía trước, nhưng tôi sẵn sàng đương đầu và vượt qua tất cả. Có lẽ nào sự kiên trì của tôi lại không được đền đáp?

Vài hình ảnh và câu nói của Nick


"I used to hate it when people stared at me, but now I take it as an opportunity. I deliberately make sure I smile back. One day this lady put her arms around me, and without saying a word, started crying on my shoulder. She said, 'Your smile just brightened my day."-Nick Vujicic
(Trước đây tôi rất ghét ai nhìn chằm chằm vào tôi,nhưng giờ đây tôi xem điều đó như một cơ hội để tôi mỉm cười đáp lại. Một ngày kia ,một phụ nữ ôm chòang lấy tôi, không nói lời nào mà chỉ khóc nức nở trên vai tôi. Rồi cô ấy bảo "Nụ cười của anh làm sáng rực tâm hồn tôi").



"I may not be able to change the world, but by God's grace I want to change the world of thousands of people."-Nick Vujicic
(Tôi không có khả năng để thay đổi thế giới này, nhưng nhờ ơn Chúa tôi muốn thay đổi thế giới của hàng ngàn con người).




(*Theo nghị quyết 32/CP của Chính phủ, từ 1-1-2008 sẽ đình chỉ lưu hành những ô tô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh. Xe vi phạm sẽ bị tịch thu bán phế liệu, sung công quỹ)