25 tháng 11, 2008

Truyện ngắn hay: QUÀ TẶNG CỦA CÁC NHÀ HIỀN TRIẾT



Một đôla tám mươi bảy xu. Tất cả chỉ có thế. Và sáu mươi bảy xu trong đó là tiền lẻ. Những đồng xu lẻ dành dụm được một hai xu do mặc cả với người bán tạp hóa, cô hàng rau, bác hàng thịt. Sự mặc cả quá ư ráo riết cho đến khi người ta đỏ bừng mặt thầm trách mình bủn xỉn. Della đếm lại số tiền ấy đã ba lần. Một đôla, tám mươi bảy xu. Và mai đã là ngày lễ Noel..

Rõ ràng không còn làm thế nào khác được ngoài việc buông mình xuống chiếc giường con tồi tàn và òa khóc lên thôi. Della đã làm như vậy. Việc làm đó của Della đã gây nên cảm nghĩ rằng cuộc đời bao gồm những tiếng nức nở, những tiếng nghẹn ngào và cả những nụ cười, trong đó những tiếng nghẹn ngào chiếm ưu thế.

Trong lúc chờ cô chủ nhà lắng xuống từ trạng thái thứ nhất sang trạng thái thứ hai, ta hãy thử ngó qua căn buồng một chút. Một căn buồng cho thuê sẵn cả đồ đạc, giá tám đôla một tuần. Không phải là không có đủ từ ngữ để tả cái thảm hại của căn phòng này, nhưng nó cũng đủ thảm hại để phải coi chừng đội cảnh sát chống hành khất để mắt đến. Ở tầng dưới nơi lối vào nhà có một hộp thư mà thư từ chẳng thèm chui vào, và một cái chuông điện không có ngón tay nào thèm ve vuốt nút bấm cả. Cùng với hai thứ đó là một tấm biển nhỏ mang dòng chữ: “Ông James Dillingham Young.”

Chữ Dillingham phô ra rõ ràng trước nắng gió trong thời kì sung túc, thời kì người chủ cái tên đó còn kiếm được 30 đôla mỗi tuần. Bây giờ thu nhập giảm xuống chỉ còn 20 đôla, những nét chữ trong cái tên Dillingham trông đã mờ đi tựa như chúng đang suy nghĩ một cách nghiêm túc đến việc rút gọn vào một chữ “D” giản dị và khiêm tốn. Nhưng khi ông James Dillingham Young về đến căn buồng riếng ở tầng trên thì chỉ được gọi là Jim và bà James Dillingham, đã được giới thiệu với các bạn với cái tên thân mật là Della, ôm hôn thắm thiết. Tất cả những điều đó thật là tốt đẹp.

Della thôi khóc, cầm cái búp phấn đập khẽ vào má. Nàng đứng bên cửa sổ, buồn bã nhìn con mèo xám đang đi trên cái hàng rào màu xám trong cái sân sau màu xám. Mai đã là Noel, vậy mà bây giờ Della chỉ có một đôla, tám mươi bảy xu để mua quà tặng Jim. Hàng tháng trời nàng đã dành dụm từng xu một với mục đích đó. Hai mươi đôla một tuần chẳng đáng là bao. Chi tiêu luôn tốn kém hơn nàng dự tính. Luôn luôn như vậy. Chỉ có một đôla, tám mươi bảy xu để mua quà tặng Jim. Jim của nàng. Nàng đã trải qua nhiều giờ sung sướng tính toán mua một vật gì đó xinh đẹp tặng chồng. Một vật tốt, hiếm có và quí báu – một vật gì xứng đáng với cái vinh dự là sở hữu của Jim.

Giữa hai cửa sổ của căn buồng có một tấm gương hẹp. Có lẽ các bạn cũng đã thấy những tấm gương hẹp kiểu này trong những căn buồng cho thuê giá tám đôla. Khi soi gương, bằng cách phối hợp thật nhanh sự phối hợp những vạch phản chiếu theo chiều dọc, một người rất gày gò và nhanh nhẹn mới có thể có một ý niệm tương đối chính xác về diện mạo của mình. Della, có thân hình mảnh mai, đã làm chủ được cái nghệ thuật này. Đột nhiên nàng từ phía cửa sổ quay ngoắt lại và đứng trước gương. Mắt nàng sáng lên, nhưng mặt nàng tái đi trong vòng hai mươi giây. Nàng thả thật nhanh mái tóc cho chảy xuống hết chiều dài của nó.

Jim và Della rất tự hào về hai tài sản của gia đình James Dillingham Young. Vật thứ nhất là chiếc đồng hồ bằng vàng của Jim, do ông nội Jim để lại cho cha chàng. Vật sở hữu thứ hai là mái tóc của Della. Giá như hoàng hậu Sheba sống trong phòng đối diện với hành lang thông gió, thì vào một hôm nào đó, Della sẽ hong mái tóc của nàng ở ngoài cửa sổ để làm giảm giá trị những châu báu, tặng vật của hoàng hậu. Còn nếu hoàng đế Salomon là một người gác cổng với châu báu chất đầy nhà, thì mỗi lần Jim đi qua cổng, Jim sẽ giơ chiếc đồng hồ ra xem để hoàng đế phải bứt râu vì ghen tức.

Lúc này Della buông làn tóc rủ quanh người nàng. Làn tóc gợn sóng óng ánh như một thác nước màu nâu. Nó dài quá đầu gối, làm thành một chiếc áo choàng dài bao quanh người nàng. Della run run, vội vàng vấn mái tóc lên. Nàng ngập ngừng một phút, đứng lặng yên, một vài giọt nước mắt rơi xuốn tấm thảm đỏ đã sờn.
Nàng mặc chiếc áo nâu cũ và đội một cái mũ nâu. Nàng quay người, chiếc váy quay thành vòng tròn, những ánh sáng lấp lánh vẫn còn đọng trong khóe mắt , nàng vội vã bước ra khỏi buồng xuống cầu thang ra phố.

Della dừng ở nơi có tấm biển: Bà Sofronie. Mua bán tóc đủ các loại Nàng chạy một mạch lên cầu thang, tim đập thình thịch, vừa thở hổn hển vừa cố trấn tĩnh lại. Bà Sofronie to lớn, trắng nhợt, vẻ lạnh nhạt khác hẳn với cái tên “Sofronie”. Della hỏi:
-Bà có mua tóc của tôi không?
-Tôi mua tóc, -- bà Sofronie trả lời—cô bỏ mũ ra để tôi xem đã.
Suối tóc màu nâu gợn sóng được đổ xuống.
Bà Sofronie đưa bàn tay thành thạo nâng mái tóc lên và nói:
-Hai mươi đôla.
-Đưa tiền cho tôi nhanh lên —Della nói.

Ồ hai tiếng đồng hồ sau đó trôi qua rất tuyệt. Hãy quên đi những lời bóng bẩy phức tạp. Della chạy khắp các phố tìm mua quà tặng Jim. Cuối cùng nàng đã tìm được. Chắc chắn vật này được làm ra là để dành cho Jim chứ không phải cho ai khác. Trong bất kì cửa hiệu nào cũng không có vật nào nữa giống như vật này. Nàng đã lùng khắp các cửa hiệu. Đó là chiếc dây đeo đồng hồ thanh nhã bằng bạch kim. Giá trị của nó là do chất liệu chế tạo, chứ không phải do sự trang trí hào nhoáng. Tất cả những thứ tốt nhất định phải như vậy. Nó rất tương xứng với cái Đồng Hồ. Vừa thoạt thấy Della nghĩ ngay, nó phải là của Jim. Nó giống như Jim, trầm lặng và giá trị. Della phải trả hai mươi mốt đôla. Nàng vội vã về nhà, với tám mươi bảy xu mang trong người. Với cái dây đeo này lắp vào đồng hồ, Jim có thể xem giờ ở bất kì chỗ đông người nào. Cái đồng hồ quí giá như thế mà đôi khi anh ấy phải xem giờ một cách giấu giếm, chỉ vì anh đã dùng một chiếc dây da đã cũ thay cho một sợi dây chuyền.
Lúc Della về nhà, niềm say sưa của nàng tạm nhường một chút cho lý trí và tính thận trọng. Nàng giở những cái cặp uốn tóc ra, châm hơi đốt, sửa lại những chỗ hư hỏng nàng đã gây ra vì tấm lòng hào hiệp hi sinh cho tình yêu. Điều này bao giờ cũng là một việc lớn lao, thưa các bạn, một việc rất trọng đại đấy.
Chỉ trong vòng bốn mươi phút, khắp đầu Della là những làn sóng tóc nhỏ nằm sát vào đầu khiến cho nàng giống một thằng bé trốn học một cách lạ lùng. Nàng thận trọng ngắm mình trong gương với vẻ phê phán trong một hồi lâu. Della tự nhủ:

-Lạy chúa, nếu Jim không giết mình trước khi anh ấy nhìn lại mình lần thứ hai, thì chắc anh ấy sẽ bảo mình giống một cô bé trong đội đồng ca ở đảo Coney. Nhưng mình có thể làm thế nào được… trời ơi! Mình có thể làm gì được với một đôla và tám mươi bảy xu?

Bẩy giờ, cà phê đã pha xong. Chiếc chảo đã ở trên bếp lò nóng rực, sẵn sàng cho món sườn.
Jim không bao giờ về muộn cả. Della cầm chiếc dây đồng hồ gập đôi trong lòng bàn tay, và ngồi cạnh góc bàn gần cửa ra vào. Nghe tiếng chân chồng bước lên cầu thang dẫn lên phòng, mặt Della thoáng tái nhợt đi. Nàng thường có thói quen lặng lẽ cầu nguyện đôi chút về những việc đơn giản nhất hàng ngày. Như lúc này, nàng thì thầm: “ Lạy chúa, xin Chúa làm cho anh ấy nghĩ là con vẫn còn xinh đẹp”.

Cửa mở, Jim bước vào và đóng cửa lại. Anh trông gầy và rất nghiêm nghị. Jim thật đáng thương, anh ấy mới chỉ hai mươi hai tuổi mà đã mang trên vai gánh nặng một gia đình. Jim cần một chiếc áo khoác ngoài mới và anh không có găng tay.

Jim đứng lại bên cửa, bất động như một con chó săn đã đánh hơi được con chim rẽ. Anh đăm đăm nhìn Della. Trong đôi mắt Jim có điều gì nàng không hiểu được khiến nàng khiếp sợ. Không phải là vẻ giận dữ hoặc ngạc nhiên, hoặc chê trách, hoặc ghê sợ, không phải là một nét tình cảm nào mà nàng đã chờ đợi. Jim chỉ nhìn nàng đăm đăm với vẻ biểu cảm rất đặc biệt trên khuôn mặt kia.

Della lảo đảo rời khỏi bàn, đi về phía Jim:
-- Jim, anh thân yêu - nàng thốt lên - đừng nhìn em như thế. Em đã để cho người ta cắt mái tóc của em rồi. Em đã bán đi rồi vì em không thể nào sống qua lễ Noel này mà không có quà tặng anh. Tóc em sẽ lại dài…anh sẽ bỏ qua chứ, phải không anh? Em buộc phải làm thế thôi. Tóc em dài nhanh lắm cơ. Nào, hãy cùng chúc “Giáng sinh vui vẻ” đi Jim, và hãy vui lên đi anh yêu. Anh không thể biết được em đã mua tặng anh món quà rất tuyệt, đẹp lắm cơ.

-- Em nói là em đã cắt mái tóc của em rồi ư?—Jim hỏi một cách khó nhọc, tựa như sau khi suy nghĩ rất lung, anh vẫn không thể hiểu được cái việc đã rất rõ ràng đó.
--Đã cắt, và đã bán rồi. Như vậy, liệu anh có còn yêu em như trước không? Em không còn mái tóc nữa, phải không nhỉ?
Jim nhìn quanh căn phòng, vẻ tìm tòi.
--Em nói là mái tóc của em đã mất rồi? –Jim nói với một vẻ hầu như ngốc nghếch.
--Anh không cần phải tìm mái tóc nữa, --Della nói –đã bán rồi mà –em đã nói với anh rằng đã bán, không còn nữa mà. Anh thân yêu, tối nay là tối Noel. Anh đừng rầy em nhé, mái tóc mất đi là vì anh đấy. Bây giờ tóc trên đầu em có thể đếm được bao nhiêu sợi –nàng tiếp tục nói, giọng đột nhiên dịu dàng và nghiêm nghị. –nhưng ai… mà có thể đếm được tình yêu của em đối với anh. Em nấu món sườn, anh Jim nhé?

Jim chợt tỉnh cơn ngây ngất. Anh ôm ghì lấy Della của anh. Tạm thời trong mười giây đồng hồ chúng ta hãy xem xét tỉ mỉ thận trọng đối tượng theo một hướng khác. Tám đôla một tuần, một triệu đôla một năm, có gì khác nhau. Một nhà toán học hoặc một người dí dỏm sẽ cho câu trả lời sai. Các nhà thông thái mang lại những quà tặng quí giá, nhưng đó không nằm trong quà tặng của Jim và Della. Câu chuyện lờ mờ này về sau sẽ dần sáng tỏ…

Jim rút từ túi áo ngoài ra một cái gói và ném lên mặt bàn. Anh nói:
--Dell thân yêu, em đừng phạm bất kì sai lầm nào về anh. Không có một việc nào như cắt tóc, hay cạo mặt gội đầu có thể làm giảm bớt tình yêu của anh với em. Em hãy mở cái gói này ra và em sẽ hiểu tại sao anh lại sững sờ mất một lúc như vậy. Những ngón tay trắng muốt và khéo léo của nàng nhanh nhẹn tháo dậy buộc và giấy gói. Và ngay sau đó là tiếng thét vui sướng điên cuồng –và rồi, trời ơi –nhanh chóng đúng tính chất đàn bà, chuyển thành những dòng nước mắt, những tiếng than khóc trong trạng thái tâm thần rối loạn, đòi hỏi phải dùng ngay đến sức mạnh an ủi của người chồng.

Vì trên bàn là những chiếc lược. Một bộ lược để cài tóc mai và phía sau đầu mà từ lâu Della đã chiêm ngưỡng ở một cửa hiệu trên đại lộ Broadway. Những chiếc lược tuyệt đẹp, làm bằng đồi mồi thật, xung quanh nạm ngọc, màu rất ăn với mái tóc tuyệt đẹp của Della, mái tóc đã cắt đi rồi. Nàng biết bộ lược rất đắt tiền, nàng chỉ thiết tha mơ ước trong lòng, chứ chẳng bao giờ hi vọng được làm chủ những chiếc lược đó. Lúc này nàng đã có một bộ lược trong tay, nhưng mái tóc lẽ ra sẽ được trang điểm bằng món đồ trang sức bao lần tha thiết mong ước này giờ đây không còn nữa.

Nàng ôm chặt những chiếc lược đó vào ngực một hồi lâu, rồi ngước mắt lên nhìn chồng, cười qua nước mắt và nói:
--Tóc em dài nhanh lắm cơ, anh Jim ạ.

Rồi nàng nhảy lên liên tiếp như con mèo nhỏ bị cháy lông và kêu lên “ồ, ồ…”
Jim vẫn chưa nhìn thấy món quà tặng xinh đẹp của nàng. Nàng cầm nó trong lòng bàn tay và sôi nổi đưa cho chồng. Cái vật bằng kim loại quí giá, nhưng vô hồn tựa như sáng lên phản chiếu tâm hồn nồng nhiệt, trong sáng của nàng.

--Đẹp đấy chứ, phải không anh Jim? Em đã lùng khắp thành phố mới tìm được đấy. Bây giờ anh sẽ xem giờ một trăm lần một ngày. Anh đưa đồng hồ cho em nào. Em muốn xem lắp vào đồng hồ của anh nó như thế nào.

Đáng lẽ nghe lời Della thì anh lại nằm xuống giường, hai tay đan dưới gáy và mỉm cười:
--Della, chúng ta hãy tạm cất những quà tặng Noel của chúng ta đi, cất đi trong một thời gian nữa. Chúng tuyệt vô cùng, nhưng chưa dùng được đâu. Anh đã bán chiếc đồng hồ của anh để lấy tiền mua bộ lược tặng em. Nào, bây giờ em bắc món sườn lên chứ?

Như các bạn đã biết, những nhà thông thái là những người khôn ngoan, khôn ngoan đến kì lạ. Họ đã mang quà tặng đến cho chúa Hài đồng ở trong máng cỏ. Họ đã tạo ra cái nghệ thuật tặng quà Noel. Vốn là những người khôn ngoan, quà tặng của họ chắc chắn cũng là những vật khôn ngoan, có đặc quyền được mang tặng cho nhau.
Ở đây, tôi kể lại một cách không đầy đủ câu chuyện của đôi trẻ ngu ngốc sống trong một căn buồng đã hết sức dại dột hi sinh cho nhau những báu vật lớn nhất của gia đình. Nhưng trong những lời cuối gửi những người là khôn ngoan thời bây giờ, ta hãy nói rằng trong tất cả những người tặng quà thì họ là những người khôn ngoan nhất. Trong tất cả những người tặng quà và nhận quà tặng thì họ là những người không ngoan nhất. Ở bất kì nơi nào họ cũng là những người khôn ngoan nhất. Họ là những nhà hiền triết.
(The gift of the maqi-O.Henry(1862-1910)

24 tháng 11, 2008

HIU HẮT MÙA ĐÔNG


Một chiều qua dốc vắng
Âm thầm nghe đời nghiêng
Giữa mùa đông vô biên
Thấu nỗi đời buốt giá
Gục đầu hoa tàn úa
Đau xót lúc chia phôi
Lạc cành lá im hơi
Rớt vào đâu xa vắng
Một mình bên dốc vắng
Bỗng khát một cơn mưa
Nghe chừng chút hương xưa
Ướp đầy trong hơi thở
Bóng em về đâu đó
Giữa bơ vơ chốn này
Hơi ấm một bàn tay
Đợi suốt đời mòn mỏi
Từng mùa xưa réo gọi
Những kỷ niệm xa xăm
Giữa mùa đông lạnh căm
Nghe như niềm tuyệt vọng.



23 tháng 11, 2008

Truyện ngắn hay: Ngụy biện và Tình yêu (Sophism & Love)



Từ lâu tôi đã muốn chiếm được Po-lie-xpai. Xin nói rõ thêm rằng lòng mong muốn này của tôi, về thực chất, không thuộc phạm trù tình cảm. Dĩ nhiên, Po-li là một cô gái làm mọi người xúc động, nhưng tôi không phải loại người để trái tim chi phối cái đầu. Tôi muốn có Po-li vì một lý do được cân nhắc kỹ càng, hoàn toàn có tính chất lý trí.Tôi đang học năm thứ nhất trường Luật. Vài năm nữa, tôi sẽ ra trường hành nghề. Tôi biết rất rõ tầm quan trọng của kiểu người vợ khả dĩ đem lại thành công rực rỡ cho một luật sư. Những luật sư ăn nên làm ra mà tôi đã quan sát, hầu như không trừ một ai, đều có vợ là những phụ nữ đẹp, duyên dáng, thông minh. Po-li hoàn toàn đáp ứng điều đó, trừ một phương diện.Cô ta đẹp, cái đó đã hẳn. Tuy cô chưa có kích thước của một "hoa hậu", nhưng tôi tin chắc là thời gian sẽ bổ sung vào những thiếu sót đó. Cô ta đã có sẵn những tiền đề rồi.Cô ta rất duyên dáng, đó cũng là một điều chắc chắn. Tôi muốn nói là vẻ người cô ta rất hấp dẫn, dáng vóc thanh mảnh, phong thái, tự nhiên, cử chỉ tỏ rõ là con nhà nề nếp loại nhất. Cung cách cư xử ăn uống của cô thật là không chê vào đâu được.Nhưng cô ta không thông minh. Nói thật tình, cô ta còn có vẻ đi theo hướng ngược lại. Nhưng tôi tin rằng dưới sự hướng dẫn của tôi, cô sẽ trở nên thông minh. Dẫu sao thì cũng đáng công thử xem thế nào. Xét cho cùng, làm cho một cô gái đẹp ngu đần trở thành thông minh còn dễ hơn là làm cho một cô gái thông minh nhưng xấu trở thành đẹp.Cuộc hẹn gặp đầu tiên của tôi với Po-li có tính chất một cuộc điều tra. Tôi muốn tìm hiểu xem tôi sẽ phải làm gì để nâng trí tuệ của cô ta lên tới cái mức cần thiết. Trước hết tôi đưa Po-li đi ăn.
- Trời, bữa ăn ngon tuyệt - Po-li nói sau khi chúng tôi rời khỏi hiệu ăn.Rồi tôi đưa cô đi xem chiếu bóng.
- Trời, phim hay tuyệt - Po-li nói sau khi chúng tôi rời khỏi rạp.Sau đó tôi tiễn cô về nhà.
- Trời, hôm nay đi chơi tuyệt quá! - Po-li nói sau khi tạm biệt tôi, chúc tôi ngủ ngon.Tôi trở về nhà, lòng nặng trĩu. Tôi đã đánh giá quá thấp khối lượng công việc tôi đã phải làm. Cô gái thiếu hiểu biết một cách khủng khiếp! Mà chỉ cung cấp hiểu biết cho cô ta thôi cũng không đủ. Trước hết mọi chuyện, phải dạy cho cô ta biết suy nghĩ. Chuyện này có vẻ là một nhiệm vụ không phải nhỏ. Và thoạt đầu, tôi đã có ý buông cô ta cho Pi-ti Be-lô, một anh chàng vẫn ve vãn cô. Nhưng rồi tôi lại nghĩ đến khuôn mặt, thân hình đẹp đẽ, hấp dẫn của cô, cái cách cô bước vào một căn phòng và cái lối cô cầm dao, cầm dĩa, thế là tôi quyết định sẽ cố gắng một phen.Tôi đi vào công việc này một cách có kế hoạch, có hệ thống, như trong mọi việc tôi làm. Trước hết tôi dạy cô về lô-gíc. Tôi học Luật và đang học môn Lô-gic, cho nên nắm rất vững vấn đề. Lần gặp sau tôi bảo Po-li :
- Này em, tối nay chúng ta đi chơi nói chuyện.
- Ô, tuyệt quá! - Po-li đáp.
Chúng tôi tới công viên, ngồi dưới một gốc cây sồi cổ thụ và cô nhìn tôi, vẻ chờ đợi :
- Chúng ta nói chuyện gì bây giờ, hở anh ?
- Nói chuyện về lô-gíc.Po-li suy nghĩ một lát rồi quyết định là cô ta thích vấn đề đó :
- Tuyệt!Tôi hắng giọng :- Lô-gíc là khoa học về tư duy. Trước khi biết cách suy nghĩ đúng đắn, trước hết chúng ta phải học cách nhận ra những cái ngụy biện thông thường của lô-gíc. Tối nay chúng ta nói về vấn đề đó.
- Tuyệt! - Po-li vỗ tay ra vẻ rất thích thú.
Tôi chớp mắt nhưng vẫn dũng cảm tiếp tục :
- Trước hết, chúng ta hãy nghiên cứu cái ngụy biện gọi là "phép đơn giản hóa".
- Ôi, anh nói đi - Po-li giục tôi, hai hàng lông mi chớp chớp, chờ đợi.
- Phép đó trỏ một lý lẽ dựa trên một sự khái quát hóa không đúng. Thí dụ : tập thể dục là tốt. Do đó ai ai cũng phải tập thể dục.
- Đồng ý ! Em đồng ý đấy. - Po-li hăm hở - ý em muốn nói là tập thể dục rất tuyệt, nó làm cho cơ thể cân đối, đẹp ra và vân vân ...
Tôi nhẹ nhàng bảo :- Po-li, lý lẽ đó là ngụy biện. "Tập thể dục là tốt" là một khái quát hóa không đúng. Chẳng hạn, nếu ta đau tim, thì tập thể dục là không tốt, mà còn là có hại. Nhiều người được bác sĩ dặn là không được tập. Cho nên ta phải xác định cho đúng sự khái quát hóa đó: phải nói là "tập thể dục, thường là tốt" hay là "tập thể dục là tốt đối với nhiều người". Nếu không ta sẽ phạm phải cái lối ngụy biện "đơn giản hóa". Em rõ chưa nào?
- Chưa. - Po-li thú thật - Nhưng hay lắm! Anh nói nữa đi!
- Em đừng giật tay áo anh như thế. - Tôi bảo, rồi nói tiếp - Rồi đến lối ngụy biện gọi là "Khái quát hóa vội vã". Em hãy nghe cho kỹ: Anh không nói được tiếng Pháp, em không nói được tiếng Pháp. Pi-ti Be-lô không nói được tiếng Pháp. Do đó anh phải kết luận rằng ở trường đại học Mi-nê-xô-ta này, chẳng ai nói được tiếng Pháp cả.
- Thật à? - Po-li ngạc nhiên hỏi - Không ai nói được à?Tôi cố gắng che giấu nỗi thất vọng, bực dọc:
- Po-li, đấy là một ngụy biện. Khái quát hóa quá vội vã. Có quá ít thí dụ để đảm bảo cho một kết luận như vậy.
Po-li hối hả giục:
- Anh còn biết những ngụy biện gì nữa không? Thật là tuyệt, có lẽ còn tuyệt hơn cả khiêu vũ nữa chứ!Tôi cố gạt đi nỗi thất vọng đang dâng lên trong lòng. Tôi đang làm một việc uổng công với cô gái này, có lẽ chẳng đi đến đâu cả. Nhưng được cái là tôi kiên nhẫn nên vẫn tiếp tục:
- Rồi đến lối ngụy biện "Nhân quả sai". Em nghe đây : chúng ta đừng nên rủ Bin đi chơi nông thôn. Mỗi lần rủ anh ta đi là trời lại mưa.
Po-li thốt lên :
- Đúng thế đấy! Em biết có một người như vậy. Một cô gái, tên là Ơ-la Bếc-cơ, không sai một lần nào. Cứ có cô ta đi cùng là y như rằng trời mưa...
Tôi hơi gắt :
- Po-li, đó là ngụy biện. Ơ-la Bếc-cơ không làm ra mưa. Cô ta chẳng liên quan gì đến trời mưa hết. Em đã phạm vào ngụy biện nếu em trách cứ Ơ-la Bếc-cơ về chuyện trời mưa.
Po-li tiu nghỉu hứa :
- Vâng, em sẽ không bao giờ làm thế nữa. Anh giận em đấy à ?
Tôi thở dài :
- Không, Po-li, anh không giận em.
- Thế anh nói nữa về ngụy biện đi!
- Ta hãy xem xét lối "tiền đề mâu thuẫn"- Vâng, vâng, anh nói đi.
- Po-li nói, ánh mắt sáng lên vì sung sướng.Tôi hơi cau mày, nhưng đã trót đâm lao ...
- Đây là một thí dụ : Nếu Chúa làm được mọi việc, vậy thì liệu Chúa có thể làm ra được một tảng đá mà Chúa không thể nhấc lên nổi không ?
- Tất nhiên là được rồi còn gì nữa. - Po-li đáp ngay.
- Nhưng em không thấy là nếu Chúa có thể làm được bất cứ việc gì, thì Chúa có thể nhấc nổi hòn đá chứ ?
- Ừ nhỉ. - Po-li có vẻ suy nghĩ
- Thế thì có lẽ là Chúa không làm được hòn đá đó.
Nhưng Chúa làm được mọi chuyện cơ mà ! - Tôi nhắc.
Po-li gãi gãi cái đầu xinh đẹp nhưng trống rỗng của cô, cuối cùng cô thú nhận :
- Em chẳng biết thế nào nữa.
- Dĩ nhiên là em biết làm sao được. Vì khi tiền đề của một lý lẽ mâu thuẫn với nhau thì không thể có lý lẽ được nữa. Nếu như có một sức mạnh không gì cưỡng nổi thì không thể có một vật gì không thể lay chuyển được. Nhưng nếu có một vật không thể lay chuyển được thì tất nhiên là không thể có một sức mạnh không gì cưỡng nổi. Rõ chưa ?
- Anh nói cho em nghe rõ thêm nữa đi. - Po-li hăng hái nói.
Tôi nhìn đồng hồ :
- Có lẽ tối nay nên dừng lại ở đây thì hơn. Bây giờ anh đưa em về, em sẽ ôn lại tất cả những cái đã học. Tối mai chúng ta sẽ tiếp tục học bài mới.
Tôi đưa Po-li về ký túc xá của cô. Cô cho tôi biết là cuộc đi chơi trò chuyện tối đó thật là tuyệt. "Cực kỳ đấy!" - Cô nói. Còn tôi thì buồn rầu trở về chỗ tôi ở. Có vẻ dự định của tôi sẽ thất bại mất thôi. Cô gái rõ ràng là có cái đầu không hiểu nỗi lô-gíc.Nhưng rồi tôi lại nghĩ lại. Tôi đã phí mất một buổi tối. Mất một buổi nữa cũng chẳng sao. Biết đâu đấy. Có thể đâu đó trong cái trí óc tắt ngấm của cô ta vẫn còn âm ỉ vài cục than hồng, biết đâu tôi chẳng làm cho chúng bùng cháy lên. Đành rằng chẳng có nhiều nhặn hi vọng gì, nhưng tôi quyết định thử thêm một lần nữa.Tối hôm sau, ngồi dưới gốc cây sồi, tôi bảo :
- Ngụy biện mà tối nay chúng ta đề cập đến là "Dùng thương hại làm mủi lòng".
Po-li run lên vì thích thú.
- Em hãy nghe cho kỹ nhé. Một người đi xin việc. Khi ông chủ hỏi khả năng chuyên môn của anh ta thì anh ta trả lời là anh ta có một vợ và sáu con, vợ thì què quặt không làm được gì, con cái thì chẳng có gì ăn, không có áo mặc, chân không có giày, nhà thì không có giường, không có than mà mùa đông lại sắp tới ...Môt giọt nước mắt lăn trên gò má hồng của Po-li. Cô sụt sịt :
- Ôi, thật là thảm quá !
- Đúng, thật là thảm. - Tôi đồng ý - Nhưng đó không phải là một lý lẽ. Người kia đã không trả lời vào câu hỏi của chủ về khả năng chuyên môn của anh ta mà lại đi kêu gọi lòng thương của chủ. Anh ta đã phạm vào ngụy biện "Dùng thương hại làm mủi lòng". Em hiểu chưa ?
Cô ấp úng :
- Anh có khăn mùi xoa đấy không ?Tôi đưa mùi xoa cho cô và cố nén tiếng hét đang ứ lên cổ trong khi cô ta lau nước mắt. Tôi cố kiềm chế giọng nói của mình cho bình thường :
- Bây giờ ta bàn đến "Loại suy sai". Đây là một thí dụ : Sinh viên phải được phép nhìn vào sách giáo khoa trong khi thi. Xét cho cùng thì các nhà phẫu thuật trong khi mổ, có máy X-quang hướng dẫn, luật sư khi cãi trước tòa, có giấy tờ, văn bản trong tay, thợ mộc dựng nhà có bản thiết kế hướng dẫn... Vậy thì tại sao sinh viên lại không được phép xem sách khi thi ?
Po-li hăng hái nói :
- Ồ, đúng là một ý cực kỳ hay mà nhiều năm nay em chưa từng nghe thấy.
Tôi nói sẵng :- Po-li. Lý lẽ đó hoàn toàn sai. Bác sĩ, luật sư, thợ mộc, ... không phải là đang thi để xem họ đã học được những gì, khác với anh sinh viên. Hoàn cảnh họ hoàn toàn khác, không thể loại suy được.
- Em vẫn cho đó là một ý cực kỳ ... - Po-li nói.
- Cực kỳ... con khỉ - tôi lầm bầm, nhưng tôi vẫn ngoan cường tiếp tục - Sau đây ta xét đến ngụy biện "Giả thuyết trái với thực tế".
- Nghe có vẻ hay đấy nhỉ - Po-li nói.
- Em nghe đây : Nếu bà Quy-ri không tình cờ để quên một phim ảnh trong ngăn kéo cùng với một mẩu quặng Ra-đi-um thì ngày nay thế giới chẳng biết gì về Ra-đi-um hết.
- Đúng - Po-li gật gật - Anh có xem phim không ? Chà, thật là mê li ! Tài tử Oanh-tơ Pít-giơn thật là hết ý!...
- Em có thể quên cái nhà ông Pít-giơn đó đi một lát được đấy - Tôi lạnh lùng nói - Anh muốn chỉ ra rằng lời tuyên bố đó là một ngụy biện. Có thể bà Quy-ri sẽ tìm ra Ra-đi-um một ngày nào sau đó. Có thể một người khác sẽ tìm ra. Không thể bắt đầu bằng một giả thuyết không thật rồi từ đó rút ra những kết luận có cơ sở được.
- Đáng lẽ ra họ phải để Oanh-tơ Pít-giơn đóng nhiều phim hơn mới phải. - Po-li nói - Em chẳng được xem thêm phim nào có anh ta nữa.
Tôi quyết định thử một lần cuối cùng. Chỉ một lần nữa thôi. Máu thịt con người chịu đựng cũng có giới hạn.
- Ngụy biện tiếp theo được gọi là "Bỏ thuốc độc vào giếng".
- Ồ, kỳ lạ nhỉ ? - Po-li trố mắt.
- Hai người tranh luận với nhau. Người thứ nhất đứng dậy nói "Đối phương của tôi là một tay nói dối có tiếng. Các ngài không thể tin được một lời nào của anh ta đâu." ... Po-li, bây giờ em nghĩ đi. Nghĩ cho kỹ. Sai ở đâu ?Tôi chăm chú nhìn cô ta trong lúc cô nhíu tít cặp lông mày mượt mà, cong vút. Bỗng một ánh thông minh lóe lên - ánh đầu tiên tôi thấy - trong mắt cô. Cô công phẫn nói :-
Thế là không công bằng. Hoàn toàn không công bằng. Người thứ nhất bảo người thứ hai là một kẻ nói dối ngay cả trước khi người thứ hai mở miệng thì người này còn có hi vọng gì nữa ? ...
- Đúng ! - Tôi phấn khởi kêu to - Đúng một trăm phần trăm ! Người thứ nhất đã "bỏ thuốc độc vào giếng" trước khi mọi người uống nước giếng. Anh ta đã hãm hại đối phương trước khi người này bắt đầu... Po-li, anh rất tự hào về em ...
- Ồ! - Cô lẩm bẩm, mặt đỏ lên vì sung sướng.- Em thân mến, em thấy không, có gì là khó đâu ? Chỉ cần em tập trung suy nghĩ thôi ... Suy nghĩ - nghiên cứu, đánh giá. Bây giờ ta ôn lại tất cả những gì ta học nhé !
- Anh cứ hỏi đi. - Po-li khẽ vung bàn tay, bình tĩnh nói.Phấn khởi vì thấy Po-li cũng không phải là ngu đần gì, tôi kiên nhẫn nhắc lại tất cả những điều tôi đã giảng giải. Tôi nêu lên nhiều thí dụ, chỉ ra những chỗ sai, ra sức phân tích không biết mệt, cứ như là đào hầm vậy ... Tôi không biết lúc nào thì ra tới ánh sáng mà liệu có ra được tới ánh sáng không đây. Nhưng tôi kiên trì đào, bới, cuốc, cào ... Và cuối cùng tôi đã thành công, tôi đã thấy hé ra một ánh sáng. Rồi ánh sáng đó lớn dần và mặt trời lùa vào, mọi thứ đều sáng rực.Mất năm tối cả thảy, nhưng thật là bõ công. Tôi đã biến Po-li thành một người tinh thông lô-gíc. Tôi đã dạy cho cô biết suy nghĩ. Công việc của tôi đã xong. Cuối cùng cô đã xứng đáng với tôi. Đúng là một người vợ thích hợp cho tôi, xứng đáng với nhà cao cửa rộng tôi sẽ có sau này, một người mẹ thích hợp với những đứa con thông minh, xinh đẹp của tôi ...Đừng nghĩ rằng tôi không yêu Po-li. Trái lại. Cũng như Píc-ma-li-ôn yêu tượng người phụ nữ hoàn hảo mà ông đã tạc ra, tôi yêu người con gái mà tôi đã đào tạo nên. Tôi quyết định ngỏ cho cô ta biết tình cảm của tôi vào buổi gặp sắp tới. Đã đến lúc phải biến chất mối quan hệ giữa chúng tôi, từ tính chất kinh viện sang tính chất lãng mạn.
- Po-li - tôi nói, khi chúng tôi ngồi dưới cây sồi - Tối nay, chúng ta sẽ không nói đến những ngụy biện nữa.
- Ồ ! - Cô nói, có vẻ thất vọng.
- Em thân yêu - Tôi hạ cố mỉm cười với cô - Chúng ta đã ngồi với nhau năm tối rồi. Năm tối rất tốt đẹp. Rõ ràng là chúng ta rất hợp với nhau.
- "Khái quát hóa vội vã" - Po-li nhắc lại - Làm sao anh có thể nói được là chúng ta rất hợp nhau trên cơ sở có năm cuộc gặp gỡ thôi ?
Tôi tặc lưỡi, thú vị. Cô bé học thuộc bài quá.
- Em ạ. - Tôi vuốt ve bàn tay cô một cách khoan dung - Năm lần gặp nhau là quá đủ rồi. Xét cho cùng, em chẳng cần ăn hết một cái bánh ga-tô mới biết là bánh ngon chứ ?
- "Loại suy sai" - Po-li nói ngay - Em không phải là một cái bánh ga-tô, em là một cô gái.
Tôi tặc lưỡi, lần này kém phần thú vị hơn lần trước. Có lẽ cô bé học bài thuộc quá mức cần thiết. Tôi quyết định đổi chiến thuật. Rõ ràng phương pháp tốt nhất là tỏ tình một cách đơn giản, mạnh mẽ, trực tiếp. Tôi ngừng một lát trong khi khối óc đồ sộ của tôi lựa chọn những lời lẽ thích đáng. Rồi tôi bắt đầu :
- Po-li, anh yêu em. Em là tất cả vũ trụ đối với anh, là mặt trăng, là những ngôi sao, những chòm tinh tú trong không gian. Em thân yêu, em hãy nói là em sẽ sống suốt đời với anh vì nếu không thì cuộc đời đối với anh sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Anh sẽ khô héo, tàn tạ, anh sẽ không ăn, không ngủ, đi lang thang trên mặt đất này như một bóng ma âu sầu, thui thủi ...Tôi khoanh tay lại, chắc là phải "ăn tiền" rồi.
- "Dùng thương hại làm mủi lòng". - Po-li nói.
Tôi nghiến răng ken két. Tôi không phải là Píc-ma-li-ôn, tôi là Phrăn-ken-xten và con quỷ đang bóp cổ tôi. Tôi cuống cuồng đẩy lùi làn sóng hoảng hốt đang tràn lên trong lòng. - Bằng bất cứ giá nào, tôi phải bình tĩnh - Tôi gượng cười :
- Ồ, Po-li, em thuộc bài về ngụy biện quá nhỉ ?
- Đúng thế ! - Po-li gật mạnh đầu.
- Thế ai dạy em ?- Anh chứ ai nữa ?
- Đúng. Vậy là em cũng nợ anh một cái gì đó, phải không em ? Nếu không có anh, em chẳng bao giờ biết về ngụy biện.
- "Giả thuyết trái với thực tế". - Po-li lại nói ngay.
Tôi quệt mồ hôi trán.
- Po-li, - Giọng tôi khàn khàn - Em không nên hiểu những cái đó máy móc quá ! Anh muốn nói đó chỉ là những chuyện ở trường học thôi. Em cũng biết đấy, chuyện sách vở ấy mà, nào có ăn nhằm gì với đời sống thật đâu !
- Lại "đơn giản hóa" rồi. - Po-li vừa nói vừa vui vẻ trỏ vào mặt tôi.Tôi không nhịn được nữa, vùng đứng lên, rống như một con bò :
- Thế em có bằng lòng lấy anh không thì bảo ?
- Không. - Cô đáp.- Tại sao ?- Vì chiều hôm nay em đã hứa hôn với Pi-ti Be-lô rồi mà !
Nguyễn Vĩnh dịch.

8 tháng 11, 2008

TƯỢNG ĐÁ VÀ CHIM KHUYÊN



Giữa bốn bề cổ tích
Tượng đá đứng trầm ngâm
Mắt trông về xa vắng
Tưởng chừng đã trăm năm

Có chú vành khuyên nhỏ
Tình cờ ghé bên vai
Mắt tròn xoe nghiêng ngó
Như là xót thương ai

"Đá ơi! Sao buồn thế?
Một đời phủ rêu xanh
Giọt sương hay giọt lệ
Ứa trên mi long lanh?"

Chim thì thầm an ủi:
"Tôi sẽ ở bên người
Ta cùng nhau bầu bạn
Sớt chia những buồn vui"

Ríu ran lời chim hót
Rạng rỡ ánh mặt trời
Lá reo và hoa nở
Dường như đá mỉm cười ...

Bỗng một chiều trở gió
Chim thấy nhớ mặt trời
Chỉ một lời từ biệt
Tung cánh vào xa xôi

Đá âm thầm đứng đó
Mắt dõi vào xa xăm
Có điều gì nứt rạn
Giữa lòng đá âm âm

Ngày lại ngày tiếp nối
Đá mòn mỏi đứng trông
Lớn dần theo năm tháng
Những vết chém hư không...

Rồi một ngày xa lắm
Chim về thăm bạn xưa
Tượng đá giờ đã nát
Nằm rũ mình dưới mưa

Có vật gì lóng lánh
Giữa đống đá rêu phong
"Dường như là hạt ngọc?"
Chim ngạc nhiên đứng trông

Nghe chừng trong hơi gió
Lời đá xưa thì thầm:
"Chim ơi! Tim tôi đó
Đã hóa ngọc-thương-tâm"

Chim nghẹn ngào nuốt lệ
Ngậm ngọc bay lên trời
Từ trái tim nhỏ bé
Từng giọt máu hồng rơi