30 tháng 12, 2009

Nơi truyền hơi ấm cho nhau


Ai đã từng ở Đà Lạt lâu năm không thể nào quên cái lạnh xưa kia của thành phố sương mù. Cái lạnh của một thời, khi mà sáng sớm sương giăng trắng đục, là đà phủ trên vai người như những tấm khăn voan huyền ảo, đến nỗi người đi sau chừng vài mét chỉ thấy thấp thoáng ẩn hiện bóng người đi trước, tưởng chừng như ta - người đang trôi trong mây, tưởng chừng chỉ cần giơ tay ra là có thể vốc được từng nắm, từng nắm cái không còn biết nên gọi cho chính xác là sương hay là mây ấy nữa (*)
 Ngày nay, vì nhiều nguyên nhân. đáng tiếc là khí hậu Đà Lạt đã nóng hơn trước. Nhưng điều đó cũng đã xảy ra với nhiều nơi khác. Thế nên, để tránh cái nóng bức phương Nam, hay cái nắng cháy da miền Trung, du khách vẫn đến Đà Lạt để tìm kiếm và "thưởng thức" cái lạnh của thành phố cao nguyên.

Tôi ngồi ở một góc quán Mei đã gần tiếng đồng hồ. Có lẽ phải ngồi ở một nơi “cửa ngỏ” như thế này mới tận mắt thấy lượng khách đến Đà Lạt đông đảo như thế nào.  Quán Mei là cách gọi ngắn gọn nhưng gần gũi mà tôi thấy thích hơn cái tên Mei Xuân Hương trang trọng. Vừa hớp từng ngụm actisô nóng hổi tôi vừa quan sát khách lại qua. Cứ vài phút lại có khách bước vào quán, và thỉnh thoảng lại có từng đợt hàng chục khách ùa vào  làm không khí quán thêm tấp nập, có lẽ họ đi du lịch theo đoàn.  Chắc hẳn vì vị trí đắc địa của Mei Xuân Hương - nằm ngay giữa trung tâm thành phố lại ở ngay cạnh hồ Xuân Hương long lanh mây trời nên khách không thể không ghé vào. Chỉ cần rời đường phố ngập nắng vài bước chân để bước vào quán Mei là khách đã cảm thấy như lạc vào một vùng khí hậu nào khác. Những gốc tùng, cành thông xanh um vươn cao, những nhánh liễu đỏ dịu dàng rủ thấp, che rợp cả một góc trời thanh khiết, lành lạnh riêng biệt. Đó đây, những cặp tình nhân ngồi sát bên nhau như để truyền hơi ấm cho nhau. Các cô gái mặc áo khoác dầy, không ít người choàng những tấm khăn thướt tha như những cánh bướm xinh đẹp, thỉnh thoảng lại nũng nịu tựa đầu vào vai người yêu, tiếng cười con gái trong vắt lan xa làm dịu lại một khoảng không gian buốt giá.

Như cây cỏ, hoa lá quanh đây, mặc cho tiết trời lạnh giá, vẫn mơn mởn xanh tươi khoe hương, khoe sắc, con người nơi đây cũng vậy. Vào những ngày lạnh nhất trong năm này, không những khách có dịp làm điệu mà cả nhân viên của Mei cũng diện áo khoác, áo len, khăn len, thậm chí cả những cái mũ bịt tai ngộ nghĩnh. Nhiều người co ro vì lạnh, cổ choàng khăn phu-la một cách điệu đà nhưng tay lại cầm ly ca phê đá hay ly kem lạnh buốt! Dường như người ta muốn cảm nhận và "thấu hiểu" đến tận cùng cái "vị lạnh" ở nơi này. Bên kia đường, hồ Xuân Hương chỉ cách nơi khách ngồi chừng 10 mét, mặt hồ vẫn vô tư gợn sóng; gió từng cơn lướt qua đem thêm giá buốt khiến nhiều người rùng mình.

Đêm xuống, ánh đèn thành phố làm cho mặt hồ càng thêm lung linh huyền ảo và trời càng thêm lạnh. Thế mà, khách vẫn không về. Thỉnh thoảng, lại một cặp nam nữ tình tứ khoác tay nhau bước vào, quần áo khá mỏng manh không đủ ấm, có lẽ do bắt đầu cuộc du ngoạn khi trời còn ấm. Miệng xuýt xoa kêu lạnh, vừa hớp xong vài ngụm trà nóng, cơ thể vừa tìm được chút hơi ấm, có người bảo phục vụ mang đến một ly cà phê nóng bốc khói thơm ngát nhưng cũng có người lại gọi ngay ly cà phê đá với thật nhiều những viên đá nhỏ! Phải chăng khách muốn thử thách khả năng chịu đựng của mình hay muốn lưu lại một kỷ niệm đáng nhớ vì người xứ nóng mấy khi được nếm "hương vị" đặc biệt này:

Trời đất tan ra thành thuỷ tinh
Một bàn tay ngọc đẫm hương trinh
Âm thầm mơn trớn bên đôi má
Hơi mát đê mê chạy khắp mình.
                     (Đà Lạt đêm sương-Quách Tấn)

Trời về khuya. Sương càng xuống nhiều. Lúc này thì không chỉ là "hơi mát đê mê" mà cái lạnh đã ngấm vào từng lỗ chân lông, không chỉ có "tơ liễu run trong gió" mà nhiều người đã bắt đầu run vì lạnh, run nhưng miệng mỉm cười, run nhưng lòng lại ấm…
                                      ***
Trong tĩnh lặng và cái lạnh mơn man trên da thịt, người ta  thấy lòng lắng xuống và những cung bậc tình cảm như những sợi tơ tinh diệu khẽ rung lên, ngân nga mãi trong tiềm thức. Những cảm nhận tinh tế đôi khi bị vùi lấp đi giữa ồn ào bụi đường phố xá hay nỗi lo toan cơm áo gạo tiền, giờ đây bất chợt dậy lên da diết cùng sự cồn cào của cái lạnh. Lạnh để thèm khát một vòng tay yêu thương. Lạnh để một bàn tay tìm kiếm một bàn tay. Lạnh để mỗi nụ cười như một mặt trời tí hon trên môi người ấm áp.
Dường như từ đâu đó, có tiếng thầm thì của trái tim nhắc nhớ về niềm vui và nỗi buồn, sự cô đơn và lòng khao khát được sẻ chia, nhắc người với người cần trao nhau nhiều hơn nữa những chân thành yêu thương.

.

20 tháng 12, 2009

Hand in Hand - vở ba-lê tuyệt vời của cặp nghệ sĩ khuyết tật


“Tôi đã khóc vì không có giày để đi, cho đến một ngày tôi nhìn thấy những người không còn chân để mang giày”- Hellen Keller

Từ khoảng tháng 8 năm 2007, một video clip múa ballet mang tên “Hand in Hand” của một cặp nghệ sĩ khuyết tật người Trung Quốc đăng trên Youtube đã làm xúc động hàng triệu người xem. Tờ China Daily viết:
“Hai ngôi sao mới đã chói sáng đầy bất ngờ từ cuộc thi khiêu vũ của CCTV. Hand in Hand, được biểu diễn bởi cặp nghệ sĩ khuyết tật Li Ma Và Zhai Xiaowei, đã làm người xem xúc động vì tài năng và sự cống hiến hết mình của họ.

Cả hai nghệ sĩ đều bị mất một phần thân thể do tai nạn xe hơi; Li Ma bị mất tay phải còn Zhai Xiaowei bị mất chân trái. Phía sau những động tác biểu diễn tuyệt vời làm kinh ngạc người xem là sự tận tụy quên mình vì nghệ thuật.”

Li Ma, 30 tuổi, là con út trong một gia đình công nhân ở Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam, Trung Hoa. Cô gái xinh đẹp này bị mất tay trong một tai nạn xe hơi năm 1996 khi đang là một diễn viên múa ba lê chuyên nghiệp đầy triển vọng. Khi ấy cô mới 19 tuổi. Người bạn trai khôi ngô từ bỏ cô khiến cô tuyệt vọng và đã tìm cách kết liễu cuộc đời, nhưng may mắn là cha mẹ cô kịp thời cứu được. Tình thương của cha mẹ đã cho cô nghị lực để tiếp tục sống. Cô đã học cách sống độc lập. Cô học và viết chữ Hoa thật đẹp bằng tay trái và làm được nhiều việc kể cả chải mái tóc mà cô đã phải cắt ngắn từ ngang eo thành ngang vai. Cô học nấu ăn, giặt quần áo. Và cô đã mở một hiệu sách nhỏ vài tháng sau đó.
Năm năm sau, Lima được mời tham dự cuộc thi Biểu Diễn Nghệ Thuật Đặc Biệt cho người khuyết tật và đoạt huy chương vàng.

Năm 2002, một thanh niên đẹp trai kém cô 5 tuổi tên là Tao Li, đem lòng yêu cô say đắm, nhưng cô tránh mặt anh vì sợ bị tổn thương lần nữa.
Sau khi cô biến mất ở Bắc Kinh, Tao tìm kiếm cô khắp nơi bất chấp sự phản đối và nhạo báng của cha mẹ cô. Sau cùng anh tìm được cô đang múa tại một quán bar. Từ đó họ không xa nhau nữa. Khi bệnh Sars hoành hoành họ túng quẫn vì các nhà hát đóng cửa. Năm 2004, anh xin được giấy phép làm người đại diện hợp pháp cho cô và cố gắng giúp cô phát triển nghệ thuật biểu diễn độc đáo của cô. Vào một đêm tuyết rơi giá buốt, khi cả hai đang co ro trong một đường hầm chờ sáng để đón xe buýt sau một ngày dài phụ diễn tại một điểm chiếu phim, cô đột nhiên muốn múa trong tuyết với anh.Trước đây cô đã dùng điệu múa của mình để kể cho anh câu chuyện của đời cô, và lần này, anh chợt nhận ra đây chính là tài năng độc đáo của cô.

Tháng 9 / 2005, Li gặp một người thanh niên – Zhai Xiaowei , đang được huấn luyện để dự thi đua xe đạp tại Thế Vận Hội Đặc Biệt cho người khuyết tật. Xiaowei chưa từng múa trước đó. Năm 4 tuổi, anh trèo lên một chiếc xe máy cày ngã xuống và mất một cẳng chân trái . Khi đó bố anh hỏi anh có sợ không vì bác sĩ sẽ cưa chân anh. Cậu bé Zhai Xiaowei không thể hiểu được cuộc đời mình sẽ khác biệt thế nào nên trả lời không. Khi người cha hỏi cậu có sợ những trở ngại và khó khăn trong đời, cậu hỏi lại: Trở ngại và khó khăn là gì? Chúng có ngon không? Người cha cười mà ứa lệ: “Có, chúng giống như những cây kẹo con ưa thích” rồi lau nước mắt trả lời tiếp:
“Con chỉ cần ăn những thứ ấy một lần một miếng.”

Lớn lên Zhai Xiaowei rất lạc quan, giỏi điền kinh và có tính hài hước. Anh thử tập nhảy cao, nhảy xa, bơi, lặn và sau cùng quyết định chọn môn xe đạp. Huấn luyện viên tin rằng anh sẽ dành được 2, 3 huy chương tại cuộc thi Olympic Đặc Biệt của Trung Quốc.
Thoạt đầu Zhai Xiaowei không hiểu làm thế nào anh có thể múa khi anh chỉ còn một chân, vì thế Li mời anh đến xem cô biểu diễn khúc ba-lê “Tay Trong Tay“ với một nam nghệ sĩ khác. Khi xem cô biểu diễn, anh cảm thấy rằng mình đang được xem một tâm hồn mạnh mẽ và thuần khiết biểu diễn tuyệt vời trên sân khấu và đồng ý thử. Li và Tao đối xử với anh như với người em trai và họ sống chung một nhà trong hơn một năm khổ luyện.

Không ai có thể tưởng tượng được những khó khăn và chướng ngại họ phải đương đầu. Anh chưa từng biết gì về múa, trong khi cô lại là người cầu toàn. Với người lành lặn bình thường, cũng cần rất nhiều quyết tâm và kiên trì mới có thể luyện tập và biểu diễn vũ ba lê. Huống chi đây là một bộ đôi khuyết tật? Chúng ta có thể hình dung được những vất vả, gian khó, bao nhiêu mồ hôi và nước mắt đã đổ xuống sàn tập của họ. Chỉ một động tác buông (drop) cô xuống, thật đáng kinh ngạc và ngưỡng mộ, anh đã làm cô ngã trên sàn cứng hơn 1000 lần.
Để có một bước chuyển qua phải, họ bắt đầu tập lúc 8 giờ sáng và đến hơn 8 giờ tối chỉ tập được một điệu duy nhất.
Tất cả những gì họ làm là luyện tập ngày đêm, từ sáng đến tối từ 8 giờ sáng đến 11 giờ khuya mỗi ngày, dưới mọi thời tiết cho đến khi họ hết sạch tiền vào đầu năm 2007. Tháng tư năm đó, họ đã bước vào vòng chung kết cuộc thi, đã thắng được 7000 đối thủ trong cuộc thi Vũ Ba Lê Truyền Hình Cáp Trung quốc.
Đấy là lần đầu tiên cặp nghệ sĩ khuyết tật này dự thi biểu diễn. Họ đoạt huy chuơng bạc với số điểm là 99, 17, cùng với điểm bình chọn cao nhất của khán giả.

Mời các bạn xem phần biểu diễn độc đáo và đầy xúc động của cặp nghệ sĩ khuyết tật có nghị lực phi thường này với khúc ba lê Tay Trong Tay (Hand in Hand)

10 tháng 12, 2009

Mới chỉ là sự khởi đầu



Thường thì xét đoán lòng can đảm không phải dám chết mà là dám sống (Often test of courage is not to die but to live)-Alfieri Vittorio

Tôi bước vào Mei Xuân hương với tâm trạng thấp thỏm, vừa hy vọng mà cũng đầy âu lo. Khung cảnh đẹp đẽ và nên thơ của nơi này cũng chỉ làm dịu xuống đôi chút chứ không thể xua tan sự căng thẳng trong đầu tôi. Chỉ đến khi người trực tiếp điều hành Mei bảo tôi đã được nhận vào làm, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Cho dù vẫn chưa hết lo - lúc này là lo nghĩ về công việc sắp tới, nhưng bên cạnh đó một niềm vui sướng, không, phải nói là niềm hạnh phúc âm thầm nhưng mãnh liệt cứ dâng trào trong lòng tôi. Lúc ấy, bỗng dưng tôi muốn được ôm choàng lấy ai đó hay chí ít cũng được nắm lấy một bàn tay để mà san sẻ niềm vui của mình …
Nếu bạn là một người khuyết tật như tôi, có lẽ bạn sẽ hiểu cảm xúc của tôi. Nếu bạn đã từng trải qua hàng bao năm trời đau đớn vật vã trên giường bệnh mà lòng không nguôi mơ về một cuộc sống bình thường, giản dị như bao người khác, thì bạn sẽ hiểu. Nếu bạn từng gượng đứng lên từ giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết và luôn khát khao được sống những tháng ngày thật sự có ý nghĩa thì bạn sẽ hiểu. Nếu bạn biết rằng thân xác tôi tàn tật nhưng tâm hồn và trí tuệ của tôi còn lành lặn và giàu có hơn so với một số người lành lặn thì bạn cũng sẽ hiểu …Và bạn sẽ không ngạc nhiên trước cảm xúc bồng bột của tôi.

Người đứng đầu Mei là một thanh niên còn rất trẻ nhưng có suy nghĩ khá sâu sắc. Khi tôi hỏi về ý nghĩa của ký hiệu trông như hai vạch song song trên logo của Mei Community do anh tự thiết kế lấy, anh say sưa giải thích: "Đó là hai chữ "m" đâu chân vào nhau. phía trên là Man và phía dưới là Money. Trong xã hội tiêu dùng hiện đại, "Con người" và "Tiền bạc" là hai yếu tố liên quan mật thiết, đôi lúc đối nghịch nhau nhưng rất khó tách rời. Để sống cho ra sống trong thời buổi kinh tế thị trường này không thể không có tiền. Tuy nhiên, tiền bạc có thể giúp ích con người nhưng cũng có thể làm hại con người. Một người dù làm được rất nhiều tiền, thì trước hết phải biết sống như một Con Người đúng nghĩa, phải đặt Con Người đứng trên đồng tiền, phải biết khuyến khích và khai thác những mặt tích cực nhất của đồng tiền, bắt tiền phục vụ mình chứ không để mình trở thành nô lệ của đồng tiền. Đó là khía cạnh nhân văn sâu sắc mà Mei Community luôn muốn hướng tới."
 Nghỉ một lát, anh tiếp: "Thời gian vừa qua, Mei Xuân Hương đã tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp trong lòng khách hàng và dành được vị trí có thể nói là hàng đầu ở Đà Lạt. Mei Xuân Hương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến khách hàng nhằm hoàn thiện mình và mang đến cho khách hàng các sản phẩm chất lượng cao nhất, dịch vụ hoàn hảo nhất. Tất cả hãy còn ở phía trước. Những gì Mei đã đạt được vừa qua mới chỉ là bước khởi đầu mà thôi."

Tôi tin những gì anh ta nói. Anh có tư cách để nói những điều ấy, đặc biệt là khi trước đó một phút, anh vừa dang tay thu nhận một người khuyết tật như tôi vào cộng đồng của Mei. Điều đặc biệt ở đây là anh nhận tôi chỉ bằng NIỀM TIN mà không cần biết trình độ học vấn hay bằng cấp của tôi là gì. Tôi biết, người có tầm (nhìn) thì có lẽ có nhiều nhưng người vừa có tầm và có tâm thì …xưa nay hiếm. Tôi không dám lạc quan là người thanh niên còn quá trẻ này có được cả hai điều đáng quý ấy, tuy nhiên lòng tôi vẫn tràn đầy hy vọng. Bởi vì ít ra cho tới giờ phút này tôi đã có một cơ hội khi mà còn rất nhiều người khuyết tật đầy nghị lực nhưng vẫn phải chịu một cuộc sống buồn tủi, đắng cay vì xã hội từ chối họ. Cách đây không lâu, có một vị giám đốc hứa nhận tôi về làm việc tại doanh nghiệp của ông nhưng sau đó lại đổi ý, để lại cho tôi biết bao thất vọng và hụt hẫng.

Cuối cùng, sau bao năm dài chạy Marathon-một cuộc chạy Marathon của sự chịu đựng và lòng kiên trì, giờ đây tôi đã về đến đích. Nhưng tôi hiểu cuộc sống là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, những cái đích khác vẫn đang chờ tôi bước lên, tôi phải tiếp tục đi tới, không chỉ bằng ý chí và nghị lực mà còn bằng cả trái tim khao khát sự đổi mới và tự hoàn thiện bản thân mình. Nick Vujicic, chàng thanh niên bẩm sinh không tay không chân người Úc gốc Serbi đã từng nói: Tôi không có khả năng để thay đổi thế giới này, nhưng nhờ ơn Chúa tôi muốn thay đổi thế giới của hàng ngàn con người (I may not be able to change the world, but by God's grace I want to change the world of thousands of people). 
Tôi không đủ sự tự tin và khả năng để làm được những điều phi thường mà Nick đã làm. Tôi vẫn còn phải cố gắng rất nhiều để tiếp tục chiến thắng chính bản thân mình bởi vì sức khỏe của tôi không được tốt. Nhưng với lòng khao khát được làm việc và với sự kiên trì chưa bao giờ cạn, tôi tin mình sẽ làm được những gì mình mong ước. Người ta đã cho tôi cơ hội, vấn đề chỉ là tôi có biết nắm lấy cơ hội ấy hay không mà thôi. Với tôi, giờ đây cũng mới chỉ là sự khởi đầu.