24 tháng 1, 2010

Ly cocktail trong nỗi nhớ



Tôi trở lại Đà Lạt vào buổi sáng một ngày cuối đông. Cơn áp thấp nhiệt đới vừa đi qua, bầu trời giăng giăng mây xám, không khí hãy còn ẩm ướt. Tôi bước đi trên con đường còn chưa kịp ráo nước. Mặt trời còn núp bóng mây. Ngang qua cầu Ông Đạo, thấy nước hồ Xuân Hương đang được xả qua đập. Nhìn xa xa phía bên kia hồ, dờn dợn từng đám sương mù như làn khói quẩn quanh trên mặt nước xanh thẫm. Những cây mai anh đào nghiêng bóng bên hồ, có cây đã bắt đầu nở hoa. Những đóa hoa hồng thắm, như những đốm lửa hồng nhỏ nhoi mang lại chút tươi tắn giữa một màu trời nước âm u. Không hề định trước, tôi rẽ vào cổng của một tiệm cà phê ven hồ. Mấy cô gái mặc đồng phục đứng sẵn trong sân, hơi cúi đầu chào tôi. Tôi ngồi xuống góc ngồi quen thuộc, nơi ngày nào tôi còn có em. Tiệm đã thay đổi nhiều, nhưng đâu đây trong không khí vẫn còn vương vương bóng dáng em với thật nhiều kỷ niệm.
Tôi ngẩn ngơ chìm trong dòng hồi ức đến nỗi không thấy cô nhân viên phục vụ mang menu ra đang đứng chờ. Ngước nhìn lên, chỉ thấy một dáng người thanh thanh, vạt tóc nghiêng nghiêng và đôi mắt đen lánh, bất chợt tôi thấy ngực mình nằng nặng. Vốn chỉ định uống cà phê, bỗng dưng tôi đổi ý gọi một ly cocktail có vodka. Tôi đang cần chút hơi men để đầu óc chếnh choáng, để mình không quá tỉnh. Tỉnh, chỉ càng thêm nhớ; tỉnh chỉ càng suy nghĩ nhiều và đau. Nhưng tôi cũng không dám uống rượu suông vì lời hứa với mẹ. Lúc nãy rời khỏi nhà dì, dì Thanh cũng đã dặn đi dặn lại: Con đừng uống nữa nhé! Mẹ con đã khổ lắm rồi.

Ừ, từ khi em xa tôi, tôi uống như hũ chìm. Mẹ khóc thật nhiều nhưng không ngăn được tôi. Hôm qua biết tôi lên Đà Lạt, mẹ rất lo lắng. Tôi biết mẹ lo tôi tìm về nơi có quá nhiều kỷ niệm sẽ càng khơi lại nỗi đau.

Lần đầu đưa em đến nơi này, trời cũng đã cuối đông. Vừa bước vào cổng em đã reo lên: "Ôi, cảnh đẹp quá!", làm mấy cô phục vụ phải mỉm cười. Tôi gật đầu: "Bởi vậy anh mới thích và lần nào lên Đà Lạt anh cũng ghé lại. Giữa khung cảnh nên thơ thế này mà ăn, uống hay mở wifi ngồi lướt web cũng đều rất thú vị. Hơn nữa, đồ ăn, thức uống ngon mà cách phục vụ lại chu đáo và dễ thương"". " Dễ thương ư?", em nhìn tôi dò xét, vành môi nhỏ xinh hơi cong lên như định nói gì đó rồi lại thôi. Vừa hít hà xoa hai tay vào nhau, em vừa hỏi rất nhiều: nào là tên tiệm này sao nghe lạ quá, giống như tên Tàu hoặc Nhật; nào là tên tiệm đọc là "Mei Xuân Hương" hay là "Meo (mel) Xuân Hương"; sao không gọi là Mây Xuân Hương cho nó gần gũi và thơ mộng? Hoặc gọi quách là Mê Xuân Hương cho nó cá tính!
Tôi cười trừ, bảo: "Em đi hỏi chủ nhân ấy, nghe nói anh ta còn trẻ lắm. Không chừng em sẽ mê đấy!" ". Em lúc lắc đầu: "Em chỉ mê người già thôi. Già mà dễ thương như anh vậy".
Tôi trợn mắt: "Anh mà già? Anh chỉ hơn em mấy tuổi, anh mà già thì em cũng là bà già!"
Cứ thế tôi và em đùa nghịch quên thời gian.

Dù ở Đà Lạt nhưng đây là lần đầu tiên em đến chốn này, cũng là nơi lần đầu tiên em uống cocktail. Em hỏi tôi: "Sao loại nước này gọi là đuôi gà trống hả anh? Tôi cười: "Có rất nhiều giai thoại về nguồn gốc của tên gọi đó, anh không nhớ hết. Chỉ nhớ mỗi chuyện này: Tại cảng Boston, Hoa kỳ có ông chủ quán có nuôi một con gà trống và ông rất yêu quý nó. Cô gái con ông chủ quán yêu một chàng trai nghèo khổ nhưng không được bố đồng ý bèn giấu con gà trống yêu quý của bố đi. Ông bố treo giải ai tìm thấy con gà thì sẽ gả con gái cho. Tất nhiên anh người yêu cô gái là người mang con gà đến lĩnh thưởng. Trong tiệc đám cưới, cô con gái mừng quá, đổ lẫn lộn các loại rượu vào nhau rồi nhổ đuôi gà cắm vào ly mời mọi người. Khách khứa reo ầm lên: Viva cocktail và thế là cocktail ra đời."

Em nhăn mũi: "Ai lại lấy lông gà cắm vào ly. Mà lại là lông đuôi nữa chứ! Mất vệ sinh quá!"

Tôi nheo mắt hóm hỉnh nhìn em cười: "Tất nhiên bây giờ không ai cắm kiểu đó nữa. Mất vệ sinh và mất khách. Bởi vì… thường thì khách sành điệu và lịch lãm mới thích uống cocktail. Như anh và em chẳng hạn."
Em cười, nguýt tôi một cái, hai con mắt có đuôi. Tinh nghịch, em nhấp một ngụm trong ly của mình, lại hút một chút trong ly của tôi với vẻ tò mò và háo hức. Chỉ lát sau hai má em đã hồng lên.
Tôi bảo: "Ly cocktail của em có rum, còn của anh là Black Russian, có vodka. Em không quen uống rượu, đừng uống ly của anh, rượu nặng lắm, say đấy."
Em dẩu môi: "Nhưng em muốn uống chung với anh." Với vẻ lí lắc, em tiếp tục luân phiên nhấm nháp cả hai ly cocktail, rồi hớn hở bảo: "Em vừa được uống hai loại cocktail vừa biết được vị của hai loại rượu khác nhau. Nhưng ly của em vẫn ngon hơn". Tôi hiểu vì sao em nói vậy: ly của em rượu nhẹ và dễ uống lại có nước chanh là thứ em thích. Chứ đã nhiều lần uống ở đây, tôi thấy các loại cocktail ở đây đều rất ngon.
Tôi cũng bắt chước em, nút nhẹ từng ngụm nước ngọt thơm và nồng nàn trong ly của em, nghe phảng phất vị môi thơm thiếu nữ. Thong thả từng chút một, tôi tận hưởng từng giọt cocktail trong chiếc ly bé nhỏ mà như đong đầy cả hạnh phúc của thế gian này. Hương vị chanh trong ly cocktail Daiquiri của em gợi nhớ câu hát:


Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt...

Và tôi uống, có cảm giác dường như từng ngụm, từng ngụm nước ngọt ngào đầy men say không chảy vào cổ họng mà đang thấm đẫm và ve vuốt trái tim…Bất chợt, tôi nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của em, bóp nhè nhẹ rồi nói bâng quơ: "Ước gì mẹ em cũng nuôi và yêu quý gà trống". Em trao tôi một ánh mắt thật nồng nàn: "Ngày mai em sẽ nói mẹ nuôi. Em cũng đang muốn được cắm lông gà vào ly nè!". Nói xong, em khúc khích cười, đôi má càng hồng lên như quả đào chín tới...

Lúc ấy, đắm mình trong hạnh phúc ngọt ngào làm sao tôi biết được có ngày tôi ngồi đây mà không có em? Bây giờ, tiệm đã sửa sang lại đẹp hơn, khung cảnh càng nên thơ. Mặt hồ xanh và êm ả quá, không biết nơi đáy sâu có như lòng tôi đang dậy sóng? Chỗ tôi ngồi sát bên gốc thông già cao vút, gốc cây xù xì, thô ráp nhắc tôi ngày nào bàn tay nhỏ nhắn của em từng vuốt ve lên đó, giờ vẫn còn mang lại chút cảm giác ấm áp nơi bàn tay rã rời của tôi. Từ chiếc loa trên cao, tiếng violon đang réo rắt một bản nhạc cổ điển của Vivaldi, nhưng trong tôi lại cứ văng vẳng lời ca nào nghe da diết:

Đường buồn anh đi bao giờ cho tới
Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài

Bây giờ, em về đâu? Có còn nhớ tôi? Mẹ của em không yêu quý gà trống đến mức đem con gái ra đánh đổi. Tôi cũng không phải chàng trai nghèo khổ nhưng đương nhiên không nhiều tiền lắm của bằng anh chàng người Mỹ hay Việt kiều nào đó mà mẹ em đã nhắm sẵn bên kia đại dương. Cuộc đời không đẹp và giản đơn như giai thoại. Vẫn ly cocktail ngày nào nhưng giờ còn đâu hương vị ngày xưa nữa. Tôi hít một hơi dài, nhìn mông lung ra phía xa, nhìn mà chẳng thấy gì ngoài bóng dáng em trong tâm tưởng. " Bà già của anh ơi, từ ngày không em anh hụt hẫng và chới với lắm, em biết không? Anh trở thành nát rượu, còn mẹ thì nát ruột nát gan vì anh. Cũng may là anh đã biết dừng lại đúng lúc. Nhưng ngày nào anh còn lên Đà Lạt, thì anh còn ghé đến nơi này, còn uống cocktail và nhớ về em, bà già ạ."

"Em châm thêm trà cho anh nhé?", giọng Bắc nhẹ nhàng của cô bé phuc vụ vang lên, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Cô bé đang mỉm cười nhìn tôi, ánh mắt lánh đen dường như có chút quan tâm pha lẫn tò mò. Tôi gật đầu, cười đáp lại. " Em là sinh viên?", tôi gợi chuyện. "Dạ, em học Đại học Đà Lạt. Nhưng mai em thi xong là về quê ăn Tết, không được thấy cảnh hồ Xuân Hương lúc không có nước trông như thế nào anh ạ". "À, hèn chi anh thấy người ta xả nước qua đập. Hồ sẽ cạn khô, Đà Lạt sẽ mất đẹp. Tiếc thật!". Cô bé nói như an ủi tôi: "Nước hồ xả cạn đi rồi lại đầy thôi mà anh". Ừ, nước cạn rồi nước lại đầy. Ly cocktail uống hết, lại pha ly khác. Muốn nó có màu gì, vị đắng hay ngọt là do ở tay người thôi. Tôi gật gật đầu, mỉm cười tỏ vẻ cảm ơn trước khi cô bé quay đi. "Bây giờ anh không còn giận em, chỉ nhớ em thôi. Ước gì ngày nào được gặp lại em, sẽ pha cho em ly cocktail Thanksgiving với nhiều chanh. Bởi vì sao em biết không? Để cảm ơn Chúa đã cho anh được gặp em và có những giây phút đẹp đẽ bên em. Chúc bà già của anh hạnh phúc và không còn khóc nhè như ngày xưa nữa", tôi thầm chúc, miệng mỉm cười mà thấy mắt hơi nhòe đi. Những cành liễu đỏ mềm mại, rũ mình tha thướt trên hai vai tôi như an ủi, chở che. Một làn gió lướt qua, vài cánh đỗ quyên màu hồng tươi lìa cành, rơi trên nền cỏ ngát xanh. Không hiểu sao cái màu hồng tươi của những cánh hoa lạc loài ấy cứ hút lấy anh mắt tôi một lúc lâu. Ngồi nán thêm một lúc, ngắm những cô bé phục vụ chạy đi chạy lại đón khách, miệng cười niềm nở dù nét mặt không giấu được vẻ mệt mỏi, tôi bỗng thấy lòng mình dịu lại. Cuộc sống với muôn mặt những mảnh đời vẩn cứ tiếp diễn. Và tôi cũng phải như vậy. Tôi đứng lên, gật đầu chào cô bé phục vụ dễ thương. "Tạm biệt Mei Xuân Hương, nơi lưu dấu kỷ niệm của tôi. Hẹn gặp lại", tôi thì thầm và thong thả bước đi. Ngoài kia trời đã bắt đầu hửng nắng…

4 tháng 1, 2010

Nụ cười và bông hoa


"Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân"
Khúc Giang- Đỗ Phủ
(Mỗi cánh hoa rơi cũng làm giảm đi vẻ đẹp của mùa xuân).

Hoa là thứ quà tặng duyên dáng nhất mà tự nhiên mang đến cho con người. Ngắm hoa mang lại cho ta cảm xúc thư thái, thanh tao và thoát tục. Vẻ đẹp của những bông hoa là một vẻ đẹp rạng rỡ, tươi sáng và yêu kiều mà không một bàn tay nào, dù tài hoa, khéo léo và tinh tế đến đâu có thể bắt chước được. Có loài hoa e ấp làm duyên, có loài hoa rạng rỡ phô bày nét lộng lẫy, kiêu sa, có loài hoa khiêm nhường chỉ đợi lúc đêm về mới dịu dàng tỏa hương:
Bên mái trăng non, đêm quá nửa;
Muôn hương vườn ngậm cánh mong manh
Gió mơ, lá ngủ, sương đi lãng
Bẽn lẽn quỳnh hoa hé ý trinh.
(Trinh trắng-Đông Hồ)
Còn gì hồn nhiên và vô tư hơn những bông hoa. Hoa là biểu tượng của cái đẹp và sự tinh khiết. Hoa còn là sứ giả của tình yêu. Mượn lời hoa, người ta có thể "nói" lên được những điều mà đôi khi họ ngại ngần không dám ngỏ với người mình yêu thương. Cho dù khoe hương sắc giữa chốn đông người hay âm thầm nở tràn trề nơi rừng vắng, lũng sâu, hoa vẫn sống hết mình dẫu biết số phận ngắn ngủi:
Hảo hoa vô bách nhật
Nhân thọ vô bách tuế Nguyễn Du
(Hoa đẹp chẳng được trăm ngày
Người thọ không đến trăm tuổi)
Chính vì ngắn ngủi nên lại càng trân quý. Một cách giản dị mà mạnh mẽ thiên nhiên nói với ta về giá trị của hạnh phúc, của niềm vui và sự an lạc. Hãy ngắm đóa hoa kia, từng cánh, từng cánh mịn màng đọng những giọt sương long lanh trong nắng sớm để thấy lòng lâng lâng một niềm vui mới:
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay
(Trịnh Công Sơn).
Nụ cười và bông hoa. Nụ cười cần thiết cho tâm hồn như thế nào thì những bông hoa cũng cần thiết cho đời như thế ấy. Một sức khỏe tốt, một mái ấm tràn ngập tình thương yêu, một bữa ăn nóng sốt, một nụ cười trên môi và một bông hoa trên bàn, chừng ấy có lẽ đã đủ tạo nên cái gọi là hạnh phúc. Chợt nhớ câu thơ "Nhân diện đào hoa tương ánh hồng" của Thôi Hộ, câu thơ thật đẹp nói về hoa và người. Trong thơ Việt Nam có một loài hoa - dù chỉ là loài hoa rừng không tên, đã trở thành "bất tử" với những vần thơ cũng tuyệt diệu và duyên dáng không kém của Quang Dũng:
Người đi châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
(Tây tiến)
Cái hình ảnh "trôi dòng nước lũ hoa đong đưa" ấy không hiểu sao cứ vấn vương và ám ảnh mãi trong ta từ thuở mới vừa biết mộng, biết mơ cho đến tận bây giờ? Đây, chỉ một bông cỏ nhỏ nhoi trong một bài thơ vỏn vẹn hai câu của Nguyễn Bính cũng đủ nói lên cái ám ảnh của một tâm tình đầy hoài vọng:
Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo em…
Hoa nở rồi hoa tàn. Thời gian cứ qua đi nhưng ký ức của một thời hoa bướm thì mãi còn lưu dấu và bất chợt một ngày quanh ta đầy ắp nỗi tiếc nhớ khôn nguôi:
Hoa và trái một đêm nào thức dậy,
Nghe mộng đời xao xuyến giấc xuân xanh...
Anh sẽ nhắc trong những tàn phai ấy,
Ðêm hoàng-lan thơm đến ngọt vai mình,
Ai sẽ biểu trong một lần trở lại,
Hoàng-lan xưa còn nức nở hồn anh .
(Mộng đời-Trần Dạ Từ)
Hoa thì vô tư nhưng con người thì đầy những toan tính vụ lợi. Chính vì vậy mà họ tự tạo bi kịch cho chính mình. Từng có một vương triều sụp đổ vì một loài hoa; một đất nước khác điên đảo vì chính loài hoa ấy (1) Trong những ngày này thành phố mù sương đang khoe mình lộng lẫy với muôn loài hoa tươi thắm. Những "không gian hoa" tạo thành những tấm thảm hoa khổng lồ vô cùng tươi đẹp. Hoa níu chân người, hoa mê hoặc ánh mắt, hoa mơn man những trái tim biết yêu cái đẹp...
Ngồi ở Mei Xuân Hương, khách có được một góc nhìn rất đẹp và thuận lợi để ngắm nhìn hầu như toàn bộ hoạt động nhộn nhịp ở cái "không gian hoa" bên hồ này. Từng dòng người, xe nườm nượp đổ về, không khí rộn rã, náo nức hơn cả Tết Nguyên đán. Đây là ngày hội của hoa mà cũng chính là ngày hội của người. Những festival hoa như thế này cho thấy vị trí ngày càng quan trọng của hoa trong cuộc sống. Có lẽ chưa bao giờ hoa được trân trọng đến thế. Phải chăng như chàng thi sĩ Rimbaud của nước Pháp, bây giờ càng nhiều người hiểu và đặt niềm tin nơi hoa? (2)
Tuy không đa cảm như nàng Lâm Đại Ngọc khi xưa từng nhặt những cánh hoa tàn đem chôn, thi gia Đỗ Phủ cũng từng hạ bút: "Một cánh hoa rơi cũng làm giảm đi vẻ đẹp của mùa xuân". Cần cảm nhận tinh tế được đến mức ấy, để càng nâng niu, giữ gìn từng bông hoa, giữ mãi mùa xuân cho thành phố thân yêu này.
Ngoài kia, từng dòng du khách bất tận vẫn đang đổ về thành phố ngàn hoa. Bất chợt, bỗng muốn hòa mình vào làn sóng người đông đúc ấy, cùng mở lòng ra để ngắm hoa, thưởng hoa và sống trọn vẹn, hết mình như những bông hoa tràn đầy sức sống kia.

(1) Một trong những vương triều của đế quốc Ốt tô man (Thổ Nhĩ Kỳ) đã sụp dổ vào thế kỷ 17, một phần vì quốc vương quá mê hoa tuy lip mà chểnh mảng việc trị nước, phần vì đã đưa ra những chính sách sai lầm, Vào những năm 1634-1637, cả đất nước Hà Lan như phát cuồng vì hoa tuy lip lửa- một loại hoa tuy lip trắng có những đường vân đỏ rực như ngọn lửa. Một củ hoa loại này có giá 10 000 florin, trong khi lương trung bình của một công nhân chỉ là 300 florin/năm. Vào lúc đỉnh điểm - năm 1637, một cây hoa tuy lip lửa có giá tương đương một tòa dinh thự 15 triệu đô la! Nhiều người đổ xô đầu tư vào hoa tuy lip để kiếm lời. thế nhưng sau đó giá hoa tuột dốc. Rất nhiều người Hà Lan phá sản trong vụ này. Người ta đổ tất cả tội lỗi lên đầu hoa tuy lip, đập phá nó vì cho nó là một loài hoa ma quỷ!)

(2) "Xác thịt, cẩm thạch, hoa, Vệ nữ, ta đặt niềm tin nơi các ngươi "-Soleil et Chaire- Rimbaud)