27 tháng 9, 2008

NHÂN CHỨNG CỦA TÌNH YÊU


Tôi nằm ở bv chuyên khoa cột sống này đã hai tháng để chờ phẫu thuật. Nơi đây, những cảnh khổ đau tôi được chứng kiến có lẽ còn nhiều hơn những năm tháng đã qua của tôi. Nơi đây, dường như ranh giới giữa sự sống và cái chết càng trở nên mong manh. Nhưng có lẽ cũng chính nơi đây hai chữ tình người, tình yêu được thể hiên trọn vẹn nhất.

Chuyện tình Vân –Diệu tôi sắp kể đây là những gì tôi đã chứng kiến và cảm nhận trong những tháng ngày mà chính tôi cũng đang phải gồng mình để chiến đấu chống lại bệnh tật. Tôi chỉ kể lại một cách mộc mạc ,giản dị với tư cách là một nhân chứng tình cờ của tình yêu. Tôi không hề tô vẽ, cường điệu để tôn vinh nó.

Vào một ngày mùa thu, Diệu được cô hộ lý đẩy vào phòng 204 của tôi trên chiếc băng ca. Đó là một thanh niên trạc hai bảy, hai tám, mặt mày rắn rỏi nhưng trông rất xanh xao và đầy căng thẳng. Qua vài câu hỏi làm quen, cậu nhất định gọi tôi bằng anh mặc dù tôi lớn tuổi hơn cậu nhiều. Tôi còn nhớ mình đã giật thót cả người khi nghe cậu ta nói rằng mình bị ung thư. Cầm mảnh giấy chẩn đoán với dòng chữ" K cột sống" trên tay, tôi thấy tội nghiệp cho Diệu: cậu ấy còn quá trẻ !
Lúc đầu, Diệu tỏ ra cứng cỏi khi bảo rằng mình sẽ can đảm chấp nhận tình huống xấu nhất. Nhưng khi Diệu tuyên bố "Em sẽ tự sát nếu ca mổ chính thức xác nhận khối u trong cột sống của em là u ác" thì tôi biết tinh thần của cậu cũng không vững vàng gì. Từ đó, ngày nào tôi cũng trò chuyện với Diệu rất lâu. Tôi tìm cách an ủi động viên Diệu. Tôi kể cho Diệu nghe về cái chết của anh trai mình, về cuốn nhật ký mà trong đó, như một dự cảm về sự ra đi bất chợt của mình, anh đã ghi lại nỗi khát khao được sống để lo cho mẹ già và em bệnh. Nhưng anh vẫn phải ra đi. Anh ra đi trong nỗi tiếc thương của gia đình, bỏ lại người vợ sắp cưới đã đính hôn được ba năm trời. Chị vẫn ở vậy cho đến tận bây giờ. Và chiếc áo của anh mà chị xin má tôi giữ lại ngày chôn cất anh cũng đã theo chị đến tận bây giờ - sau hai mươi mốt năm dài đằng đẵng! Dường như Thần chết là một kẻ rất vô tình và hành động tùy tiện, có lẽ vậy nên trong sự bấp bênh của nó, sinh mệnh lại càng quý giá: Cần phải biết nâng niu và trân trọng cuộc sống!

Không biết những lời của tôi có tác động tới Diệu hay không. Nhưng từ dó Diệu thường sang nằm ở giường tôi để cùng trò chuyện, trong lúc cha Diệu chay qua, chạy lại hỏi han chăm sóc cho Diệu. Cha Diệu trông chất phác và đôi khi hơi chậm chạp vì tuổi tác. Mẹ Diệu có giọng nói thật hiền từ và dáng vẻ sang trọng. Trông bà cũng không được khỏe. Cũng may còn có Vân. Vân là người yêu của Diêu từ quê ra. Vân chỉ mới hai mươi lăm tuổi, dáng nhỏ nhắn và hơi gầy, không thật đẹp nhưng khá dễ thương với đôi mắt đen sâu hút. Cô rất dịu dàng và ít nói. Suốt ngày đến đêm, cô tận tình chăm sóc cho Diệu như một người vợ yêu chồng. Nhìn họ quấn quít bên nhau tôi mừng cho đôi bạn trẻ, nhất là Diệu. Mẹ Diệu kể "Khi tụi nó quen nhau gia đình cô không đồng ý vì Vân theo Công giáo mà Diệu lại là con trai út. Một thời gian sau, Diệu đổ bệnh. Khi biết mình mang bệnh nan y, mới đầu Diệu né tránh tình yêu của Vân nhưng cô gái ấy vẫn kiên trì. Gia đình cô cảm động trước tấm lòng của Vân nên đã chấp nhận coi Vân là con dâu. Vậy mà vẫn chưa hết những điều tiếng, có nhiều người ác miệng đi rêu rao là con Vân ưng thằng Diệu là khôn, thằng Diệu chết là nó sẽ hưởng hết gia tài của cô chú". Khi nói đến từ "chết", giọng người mẹ nghẹn hẳn đi, những giọt lệ bắt đầu lăn dài trên má ...

Căn phòng nhỏ có bốn giường, bốn bệnh nhân, nếu kể cả hai băng ca đặt giữa lối đi là sáu, cộng với người nuôi bệnh, cả phòng có khi có cả mười mấy người cùng sống,cùng sinh hoạt. Chuyện tình cảm của Vân Diệu hóa ra lại trở thành đề tài bàn luận vui vẻ của cả phòng. Thắng, mười bảy tuổi, bệnh nhân ở cùng phòng với tôi và Diệu là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất và cũng nhỏ bé nhất:Do cột sống bị cong vẹo, cơ thể không phát triển được nên trông nó gầy guộc và yếu ớt như một đứa con nít mười hai, mười ba tuổi! Một buổi sáng, thấy mắt Thắng hơi đỏ,tôi trêu “Thắng này! Đêm qua lo nhìn gì không ngủ mà đỏ cả mắt thế?” Thắng chưa kịp trả lời thì anh chàng Lân nằm cạnh giường tôi bồi thêm “Nó lo rình Vân với Diệu cả đêm ấy mà!” Tưởng Thắng chối, ai ngờ nó trả lời tỉnh queo “Suốt cả đêm hai anh chị đó ôm chặt cứng chẳng lúc nào rời ra cả !” Diệu chỉ nằm cười hiền khô,Vân cũng cười mà mặt đỏ như gấc. Tôi lại trêu “Tưởng chỉ nhìn sơ sơ thôi!Hóa ra lại rình suốt cả một đêm và rình kỹ đến nỗi biết người ta ôm chặt cỡ nào nữa kia? Có thật là hai anh chị không lúc nào rời nhau không?” Thắng vẫn hồn nhiên đúng kiểu một đứa con nít ...mười hai tuổi: “Thật chứ! Cả đêm cháu có ngủ chút nào đâu !?” Lân cười tinh quái “Thế em thấy có gì hấp dẫn ,kể anh nghe xem nào!”

Đến nước này thì Vân giãy nãy “Này, mấy ông tướng có im đi không? Đừng có đầu độc trẻ con nghe chưa!” Lân vẫn tếu táo:”Hôm qua thì thằng Thắng nó còn trẻ con thật nhưng ...sau một đêm "rình" thì nó đã thành người lớn rồi !” Mọi người cười ồ. Dường như Diệu - bệnh nhân đang mang bệnh ung thư ngặt nghèo lại cười to nhất, giòn giã nhất. Tiếng cười vang lên rộn rã trong căn phòng chật chội chất đấy những phận người không may mắn có một phong vị thật lạ lùng khó tả …

Nhưng đó chỉ là những giây phút vui vẻ hiếm hoi. Sức khỏe của Diệu ngày càng xấu đi và Vân cũng gầy sút hẳn. Những ngày tháng ấy là những ngày đau khổ cho gia đình Diệu. Cả chị của Diệu cũng bỏ dở công việc, bay từ Nhật về để lo cho em trai. Đó là một người phụ nữ khoảng ba mươi hai, ba mươi ba tuổi, xinh đẹp, cởi mở và hoạt bát nhưng bất hạnh thay, tôi nghe nói cô cũng đang mang trong người một căn bệnh nan y. Cha mẹ và chị Diệu cố giấu đau thương, vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần của đứa con trai út. Vân là y tá nên biết nhiều về bệnh của Diệu hơn chính Diệu và những người trong gia đình Diệu. Một hôm, Vân đưa cho tôi một xấp tài liệu nói về căn bệnh của Diệu.Đó là bệnh đa u tùy (Multiple myeloma). Lần đầu tiên tôi biết đến căn bệnh này, một bệnh ung thư máu nhưng lại gây tác hại cho xương, nhất là xương chậu và cột sống. Thảo nào khi xem phim X quang, bác sĩ bảo cột sống của Diệu bị khuyết ở nhiều đốt và Diệu ngày càng tỏ ra đau đớn khi đi lại. Tài liệu nói rằng thường thì người bệnh chỉ có thể chống chọi trong vòng hai đến ba năm.Khi tôi đọc xong tập tài liệu, Vân nghẹn ngào vừa khóc vừa nói"Đợi anh Diệu đỡ một chút là phải cưới liền thôi anh à! Chắc ành cũng không còn bao lâu nữa đâu!Em sợ không kịp"…Câu nói ấy nói lên tất cả tình yêu sâu nặng mà cô dành cho Diệu. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên má Vân, tôi cũng thấy rưng rưng. Tình cảm của người con gái này sao mà sâu đậm và thiết tha quá. Chợt nghĩ không biết như vậy là em bất hạnh hay may mắn nữa, Diệu ơi!

Ngày Diệu lên bàn mổ,gia đình cậu ta vô cùng căng thẳng. Tôi cũng tạm quên đi những ngày hoang mang chờ đợi được mổ và cầu nguyện rất nhiều cho Diệu. Ca mổ qua đi. Rồi những ngày chờ đợi kết quả sinh thiết khối u. Thật hồi hộp và căng thẳng. Diệu tỏ vẻ đau đớn và hoang mang. Cậu đòi tự tử. Chỉ còn hai ngày nữa là tôi được phẫu thuật, tôi rất lo không biết mình có bị hoãn mỗ như những lần trước nữa không. Tôi cố gắng tập trung tinh thần để viết thật nhanh một bài thơ tặng Diệu nhằm động viên cậu ta :

Từ phương trời anh em ta hội ngộ

Giữa xót xa nghịch cảnh vô cùng

Hai cuộc đời một nỗi đau chung

Hai thế hệ, hai tâm hồn đồng cảm

Em vật vã tuôn trào dòng lệ thảm

Anh ngậm ngùi lặng lẽ cầu xin

Mong ơn trên rộng lượng thương tình

Ban bình an một đời trai trẻ

Em muốn chết? Ừ thì rất dễ

Sống mới nghìn lần gian khó em ơi!

Dù nỗi đau vắt kiệt sức ta rồi

Ta vẫn nở nụ cười dù héo hắt

Đời là thế! Em lo gì đươc-mất?

Ta cắn răng vững gót làm người

Không đầu hàng, bỏ cuộc, buông xuôi

Còn hơi thở là không thôi hy vọng!

Dù chỉ một ngày thân ta được sống

Là một ngày trọn vẹn với tình thương

Để mai sau dù cất bước lên đường

Không hối tiếc, không nghẹn ngào, tủi hổ

Còn cơ hội đừng bao giờ từ bỏ

Phải đấu tranh chống chọi tới cùng

Vì đời em đã hóa cuộc đời chung

Của bao người yêu thương trông đợi

Em chán nản nghĩa là em có tội

Hãy vững vàng tiến bước em ơi!

Tuy đó chỉ là một bài thơ ...con cóc nhưng khi đọc xong, Diệu vừa khóc vừa cám ơn tôi, rồi hết sức bất ngờ cậu cầm lấy tay tôi và hôn thật trìu mến. Vừa cảm động, vừa ngượng ngùng, tôi chỉ biết đứng lặng không biết phải nói gì ...Chị của Diệu trông thấy thế, xúc động đến nỗi ngất xỉu. Lúc đó tôi mới biết đích xác là cô bị một loại bệnh tim hiếm gặp và không chữa được .

Cuối cùng, kết quả ca mổ của Diệu cũng đã có.Nó tốt đẹp hơn cả sự mong đợi của tất cả chúng tôi, đến nỗi vị bác sĩ trưởng khoa đã đến chúc mừng cha mẹ Diệu. Tôi cũng lần dò từng bước đến phòng Diệu để chia vui cùng cậu. Diệu cảm động lắm và một lần nữa lại hôn tay tôi. Trong nỗi hân hoan vui sướng, tôi tự hỏi có kết quả tốt đẹp đó phải chăng là nhờ sức mạnh kỳ diệu của tình yêu? Tôi không biết chắc nhưng tôi thật sự muốn tin như thế.

* * * * * * *

Chiều nay Diệu và Vân đến thăm tôi. Họ lên Đà Lạt để hưởng tuần trăng mật. Nét mặt họ thật rạng rỡ vì hạnh phúc trong cái nắng dìu dịu của một ngày mùa thu. Đã một năm trôi qua kể từ ngày chia tay, giờ đây chúng tôi nhắc lại chuyện cũ thật vui vẻ. Sau khi nhắc đến Thắng và Lân, Diệu đề nghị tôi chép lại cho Diệu một bản của bài thơ con cóc ngày nọ vì cậu lỡ để lạc mất rồi. Tôi cười bí mật:”Rồi em sẽ lại được đọc nó sớm thôi mà!“. Diệu tỏ vẻ thắc mắc nhưng tôi chỉ nói: ”Đến lúc đó em sẽ biết! Giờ thì xin chúc mừng hai nửa đã được kết hợp làm một !". “Diệu trêu tôi:”Chúc anh cũng tìm được nửa kia của mình !”

Tôi mỉm cười, lòng thầm nói “Vân ơi!Diệu ơi! Tình yêu của các em đẹp quá! Các em hãy biết nâng niu trân trọng nó suốt đời nhé!”

Khi chia tay, tôi dõi theo bóng hai bạn trẻ đang dần xa khuất giữa chiều phố núi mờ sương và chắp tay thầm cầu mong cho họ mãi mãi hạnh phúc và may mắn. Còn mình? Tôi cười nhẹ, lòng không khỏi gợn lên một nỗi bùi ngùi lẫn xót xa "Không biết một người như mình có quyền mơ ước xa vời như vậy không?"

23 tháng 9, 2008

GIỌT NƯỚC MẮT NGÀ




Nước mắt rơi khi đường đời vấp ngã, nước mắt rơi trong nỗi đau ngút ngàn, nước mắt rơi trong niềm vui chứa chan, nước mắt rơi giữa hối tiếc muộn màng.
Nước mắt khóc ai một lần nằm xuống, nước mắt thương ai mãi mãi chia ly, nước mắt tiễn người ra đi,n ước mắt rơi cho ngày hội ngộ, nước mắt buồn cho tình đã bay xa, nước mắt mừng cho ngày hạnh phúc...
Giọt nước mắt nào tinh khiết, trắng trong khóc tình đầu vụt mất, giọt nước mắt nào rơi giữa đêm trường quạnh quẽ, giọt nước mắt thương thân tủi buồn lặng lẽ. Giọt nước mắt cho người, cho ta, cho phận người lênh đênh, cho tình đời điên đảo.
Giọt nước mắt nào em khóc cho tình ta xa xôi, cách trở. Giọt nước mắt nào mặn trên môi anh thương em đau xót ruột gan.
Yêu là gắn bó một cách vô điều kiện với một người không hoàn hảo. Em đã biết bệnh tình của anh như vậy, đã tủi buồn, đã đau khổ và đã khóc thật nhiều nhưng em vẫn yêu, bất chấp gian nan, trắc trở. Đó là tình yêu đích thực em trao tặng cho anh và cho dù đó là những giọt nước mắt đớn đau, nước mắt em vẫn luôn luôn đẹp đẽ và sáng trong giữa lòng anh. Em ơi! Hãy khóc đi em. Nước mắt rơi không bôi xóa được nỗi đau nhưng gột rửa được tâm hồn. Ngày nào con người còn biết khóc thì ngày ấy tình người còn hiện hữu trên trái đất này và còn tình yêu em dành cho anh.

4 tháng 9, 2008

DẠI DỘT



Phải tìm điều gì đó
Để mà ghét em thôi
Để không thương nhớ nữa
Để hết ngóng trông người

Rằng sao em ác thế
Chẳng đoái hoài tình tôi
Rằng sao em xấu thế
Nhìn hoài chẳng giống ai!

Mắt chẳng phải mắt nai
Dịu dàng và mơ mộng
Đôi môi thì mong mỏng
Chắc là chẳng chân thành?

Tôi tìm quanh, tìm quanh
Bao lý do có thể
Tôi bôi bác dáng hình
Của em thật thậm tệ

Rồi thở phào nhẹ nhõm
Thế là xong, là xong
Vừa đặt mình nằm xuống
Nỗi nhớ đã mênh mông!

Tôi lại tìm, lại tìm
Ôi chao! Sao mà khó
Tìm mãi rồi cũng có
Nhưng...là điều để ...thương!

Ôi! Trái tim dại dột
Lần đầu biết yêu đương
Yêu, ghét làm sao lường
Mà cân đong, đo, đếm!

MẮNG KẺ ĐA TÌNH


Ngồi buồn lại giận cho mình
Nhặt đâu cái thói đa tình đong đưa
Thương người ta, thương lạ chưa:
Người cơn nắng đẹp, ta mưa cuối trời
Chẳng biết ta chẳng biết người
Không dưng đũa mốc đòi chòi mâm son!
Chân đi mé bước chon von
Trái tim lỡ nhịp chẳng còn đường lui
Sợi tơ đã vướng chân rồi
Trách cho con nhện chọn người mà giăng
Giận ai quen thói gió trăng
Đa sầu, đa cảm, đa mang, đa tình
Có người ngồi ngắm bóng mình
Chợt thương, chợt giận, chợt ...khinh khỉnh cười!
(Một ngày buồn nhớ Người Dưng)

NHƯ CON DÃ TRÀNG


Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác.

Xukhômlinski


Tôi như con dã tràng
Bao đêm ngày se cát
Se từng hạt, từng hạt
Vùi chôn niềm nhớ mong

Mà biển tình mênh mông
Dâng cao bao ngọn sóng
Hỡi người tình trong mộng
Em có biết hay không?

Tôi se hoài, se mãi
Từng viên cát tròn xoay
Nhưng làm sao se được
Cho tròn mối tình này?

Tôi tìm hoài, tìm mãi
Hạt cát cho riêng tôi
Hạt cát nào chân Người
Đã một lần in dấu

Tôi gửi gắm tình tôi
Giữa lòng viên cát nhỏ
Lăn mãi về phương Người
Dẫu tan tành sóng vỗ!

Tôi se hoài, se mãi
Từng hạt cát nhỏ nhoi
Biết bao giờ lấp đầy
Biển tình tôi sâu thẳm

Ôi ! Đời cát mong manh
Ôi ! Phận người héo hắt
Biển tình hay nước mắt
Một đời đã đong đầy?

Tôi là con dã tràng
Hay tôi là cát trắng?
Dấu chân nào sâu nặng
Một lần qua đời tôi
(Ngày xem phim Đời Cát)

2 tháng 9, 2008

Truyện ngắn hay: KHI NGƯỜI TA TRẺ

Giỗ cô tôi vào khoảng tháng sáu âm lịch. Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ biết trong cái tháng âm ấy, vào gần những ngày tang tóc ấy, bà tôi như một người khác, lờ đờ, uất ức, lẫn lộn...Cô tự tử bằng thuốc ngủ. Không ai cứu được vì cô là sinh viên y và lại hay đọc tiểu thuyết, nên cô dùng thuốc với liều chết thật chắc chắn, ở một nơi không ai có thể can thiệp được. Còn lại mình bà sống trong căn nhà rộng, hằng ngày đốt nhang cho hai bàn thờ của ông và của cô. Bà tôi nói với mẹ: "Để con Hoàn về với bà". Mẹ tôi không vui nhưng biết sao ! Công việc của tôi là đi học, đi chợ, làm vài việc vặt. Bà tôi nấu ăn, nuôi gà, tưới phong lan và gắng giữ sao cho cả một ngày dài lúc nào hương cũng lập loè trên hai bàn thờ.
2. Cô là một người đầy mâu thuẫn, ngông nghênh mà lại sợ dư luận ; ăn nói ác độc, kiêu căng mà rất tự ti, chơi rất nhiều mà học cũng rất nhiều. Cô nhiều bạn nhưng chỉ thích tiếp bạn ngoài quán cà phê ; là một người không bao giờ làm được việc gì đến nơi đến chốn, trong ngăn kéo còn lại vô số những bản tự cam kết. Sẽ không... Nếu không... Trong tủ đầy những mảnh vải thêu cắt dở dang, những cuốn tiểu thuyết gập góc ở những trang gần cuối. Thích đấy rồi chán đấy, cô làm khối kẻ điên tiết...
3. Rồi cô cũng dừng chân lại. Người cô yêu (hơn là người yêu cô) cả tính tình lẫn dáng vẻ đều còn rất trẻ con. Tôi gọi Vỹ bằng thằng vì nó bằng tuổi tôi, nghĩa là thua cô hai tuổi. Sau lưng, cô cũng gọi nó là thằng - thằng Vỹ. Hẹn, nó không đến, cô chửi : "Đồ khốn nạn !". Nó đến, cô lại ngỏn ngoẻn đi chơi, không hề dám giận. Mười một giờ đêm cô về, có bữa vui vẻ kể đủ chuyện, có bữa lặng lẽ lên giường ngủ thẳng. Bố tôi bảo : "Coi chừng !". Bà tôi chỉ cười. "Nói thì nó làm ngược lại. Thôi kệ !".
4. Kệ! Cô tôi vẫn đi đi về về cùng Vỹ dù rằng anh "công tử Bạc Liêu" này đã có một già nhân ngãi, non vợ chồng dưới Long Xuyên. Hằng ngày, từ Sài Gòn, anh chàng phóng như bay trên cái xe đẹp nhất trường về tỉnh, mặc kệ điểm danh thực tập, mặc kệ những buổi học giảng đường, mặc kệ cô tôi ở lại trơ vơ tráo váo. Dăm bữa sau anh chàng lê lại với tiền đầy túi không rõ từ đâu, với những bộ quần áo thật model. Cô hỏi "Về làm gì ?" "Hết tiền !". "Có gặp Ngân không ? Vui không ?". "Không, chán rồi ! Nó cà chớn lắm !". Cô tôi tự lừa mình mà vui được ít ngày, để rồi sau đó tự an ủi : "Nó còn nói thật là còn yêu !". Khi Vỹ nhịn không được, liền kể cho cô nghe về một căn nhà ở dưới đó, trong một đường hẻm có bán cơm tấm thật ngon, Ngân và Vỹ nằm dài tán dọc. "Mệt lắm, chẳng muốn tí nào !". Cái câu than thở này thật chẳng thích hợp tí nào với khuôn mặt rạng rỡ của Vỹ. Mẹ tôi hỏi. "Sao em có thể chịu đựng được cảnh một gà hai mề thế hả Xuyên ?". Cô ngồi băm thịt như chém vào mặt thớt, cười nhạt : "Nó có phải chồng em đâu, chơi cho vui vậy thôi. Đi với ai cũng được, ngủ với ai cũng được, em không quan tâm !". Mẹ tôi lí nhí : "Đừng có đùa, em ! Rồi khó dứt ra lắm !".Khó dứt thật, cô tôi ngày ấy thật khó trở lại với những quán cà phê khiêm tốn, với những buổi đi chơi "chay" ít xu. Thế giới sách vở của cô thu lại bé tí, cô làm những bài thơ tình quanh quẩn chẳng ai thèm đăng, cô viết những trang nhật ký u uẩn chỉ ba nhân vật : cô, Vỹ, Ngân. Cô không dám đề nghị một sự chọn lựa thẳng thừng ở Vỹ, sợ rồi Vỹ sẽ thẳng thừng chọn Ngân khi bị dồn vào chân tường.
5. Hồi ấy, tôi hay sang chơi với bà, phụ bà hái xoài, vú sữa, thông ống máng hay xách nước khi cúp điện... là những công việc không bao giờ cô làm. Cô ngồi ở cái bàn gần cửa sổ có cây hồng xiêm thò cành lá vào, vui thì chơi với hai bà cháu, buồn thì mở nhạc, ngồi viết nhật ký, thư từ, ai đụng đến cũng quạu quọ. Bà bảo tính cô thất thường như ông. Có điều ông không mê chơi, phù phiếm như cô.Bà bảo cô dễ tủi thân, buồn bã nhưng uất quá đến nỗi không khóc được, mặt chỉ lì ra, u ám. Tôi đã từng chứng kiến và hoảng hồn trước bộ mặt này khi cô đợi Vỹ trễ hẹn. Nó dữ tợn và tang tóc. Tôi kể lại, mẹ tôi bảo : "Mày chỉ khéo tưởng tượng !".
6. Bạn bè cô xa dần. Những anh học trò nghèo hiền lành. Những anh văn nghệ sĩ nửa mùa đang say sưa với cái nghèo tài tử chợt giật mình khi thấy cô đánh đổi tất cả để đến với Vỹ. Họ phân tích bằng cách này hay cách khác, xa hay gần, cho cô thấy rằng Vỹ chỉ là "thằng Vỹ" mà thôi. Một thằng Vỹ ít nói vì không biết gì để nói, một thằng nhà giàu ích kỷ, chơi bời và tàn bạo. Mặc kệ, cô gọi những cái ấy là đàn ông, là amateur. Cứ như vậy, giảng đường trở nên xa lạ với cô và Vỹ. Cúp học liên miên. Thi lại cũng liên miên. Trong ngăn tủ lại thêm rất nhiều những mẩu giấy kể từ mai phải học, phải... nếu không...
7. Rồi những tháng hè đến. Cậu Vỹ thì biến đâu mất. Cô tôi càng lầm lì, bỏ cà phê, ca nhạc... Hằng ngày cô vẫn ngồi bên cái bàn cạnh cây hồng xiêm, học bài và viết những trang giấy bé như bàn tay. Bà hỏi : "Con chưa nghỉ hè à ?" "Thi lại !". Đây là chuyện cơm bữa, bà tôi cũng chẳng nói gì, lại nhờ tôi làm giúp các việc vặt để cho cô nấu sử sôi kinh.Sinh nhật cô, không mưa sụt sùi, không nắng chói chang nhưng cũng chẳng ma nào đến ngoài hai bạn gái cùng lớp khệ nệ mang đến một bó hoa với vài cục xà bông. Cô tôi cắm hoa vào cái ly cũ không cần sửa sang, rồi đặt vào một góc bàn. Ngày ấy, tôi mang quà của bố mẹ tôi sang và nấu cho cô nồi chè. Cô nằm trong màn không thức, không ngủ. Tôi hỏi : "Cô đi uống cà phê với cháu không ?". Cô bật dậy ngay : "Đi, ở nhà mệt quá !". Tôi dẫn cô ra quán cà phê Phi Vân là nơi tôi hay uống. Cô ngơ ngáo nhìn đường mới, nhìn xe qua lại, không nói năng gì. Rồi cô hỏi : "Hoàn, cháu có bồ chưa ?" "Bạn thôi cô !". Tôi hạnh phúc và ngượng ngùng khi cô hỏi đến "người" của tôi. Cô hỏi : "Làm gì ? Có tốt không ?""Học cùng với cháu. Hiền lắm, nông dân lắm, tốt lắm !". Cô cau mày : "Nông dân lắm là sao ?" "Là thật lắm, cháu đùa sao cũng tin là thật !". Cô cười một cái cười xanh xao, đôi mắt u ám chợt trở nên buồn và trong veo kỳ lạ. Tôi "lịch sự" hỏi lại : "Tối chú Vỹ mới đến hả cô ?" Cô sa sầm : "Không, chẳng ai đến cả. Cô bây giờ ít bạn lắm rồi !". ít bạn lắm rồi, có thế, vào cái ngày này tôi mới được ngồi với cô ở đây chứ !
8. Bà tôi nhớ lại, trước khi chết vài ngày, cô vui vẻ lại, đi uống cà phê, mua quà bánh, chở bà đi chơi lung tung : "Con thi xong hết rồi !". Rồi như các tiểu thuyết vẫn có mà chẳng ai ngờ, cô xin đi Long Hải hai ngày. Để ít ngày sau, bà tôi nhận xác cô từ một khách sạn ở Vũng Tàu. Không một cái thư tạ lỗi như người ta hay làm, không trách móc ai, bên cạnh cũng không có ảnh của ai, chữ của ai. Chỉ có cô và vỉ thuốc trống rỗng. Bà tôi mặc cho cô cái áo màu rêu cô hay mặc, cái quần thùng thình cô hay diện đi chơi, chải cho cô cái đầu bụi đời. Cô út đã cho bà một đòn nặng. Cô đi không để lại lý do làm cho mọi người đâm áy náy, mọi người đều kiểm tra lại xem đã có chuyện gì để cô tôi - cái người hay hờn dỗi ấy - tủi thân không? Đám tang cô không có "chú Vỹ". Nghe đâu "chú" đi Quy Nhơn chưa về. ở ngoài ấy, tôi chỉ mong sao sóng cuốn phăng nó đi !
9. Hai năm rồi, chẳng còn ai nhớ về cô rõ ràng nữa, ngoài bà. Nếu biết ra điều này hẳn cô đã chẳng tự tử làm gì cho mất công ! Bố tôi kết luận : "Con điên ! Điên như nó không chết trước cũng chết sau !". Mẹ tôi bảo : "Chắc có gì với thằng Vỹ rồi !". Có hay không, chẳng ai biết được. Nhật ký cô để lại không ghi cái gì cụ thể, chỉ thấy u ám. Mưa hay nắng cũng u ám, đi chơi cũng u ám, đi học cũng u ám. Cái gì cũng có vẻ như không lối thoát. Đến nỗi đọc xong, tôi có cảm giác : "Chết đi là vừa !". Với cái đầu tò mò mà ấm ớ, tôi thử làm một bản tổng kết và qui ra rằng cô đã đổi tất cả đề rồi Vỹ ta cao chạy xa bay; rằng cô đã không chịu nổi cảm giác ở lại thêm một năm học để bị bạn cười thương hại. Mẹ tôi lại bảo: "Vớ vẩn, có đáng gì đâu". Có đáng gì đâu? Đáng lắm chứ. Tôi bám vào cánh cửa, ngoài vườn mưa như giông. Nếu mẹ tôi hiểu, ở cái tuổi này người ta điên đến mức nào, ngông cuồng đến mức nào và cần có bạn bè để an ủi biết bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ! Khi chết, hẳn cô đã tưởng tượng ra mọi người khóc lóc, Vỹ hoảng sợ, hối hận, ôm lấy quan tài như muốn xuống mồ theo...
Than ôi, ngày đám tang cô, Vỹ ta tắm biển.Vui lắm và nắng lắm!.
Phan thị Vàng Anh