12 tháng 12, 2008

Tản mạn về những ngày đi học


Tôi đi học, tuần ba buổi, buổi hai tiếng. Cứ thế, đã chín tháng rồi. Nhớ những ngày đầu đến với trung tâm tin học An Tiến này, các cô nhân viên cứ gọi tôi bằng anh. Tôi không hề "tưởng bở" rằng đó là do trông mình còn trẻ. Chính xác là do định kiến của các cô: họ không nghĩ là một người đã bệnh tật và lớn tuổi như tôi lại còn đi học. Dần dần khi biết tuổi của tôi, tất cả đều chuyển sang gọi tôi bằng chú. Riêng các học viên cùng lớp vẫn cứ gọi tôi bằng anh như trước, có lẽ đơn giản vì hôm khai giảng, giám đốc trung tâm đã dặn họ gọi như thế để... "tránh cho anh ấy cảm giác lạc lõng".

Thật sự tôi cũng không biết mình phải như thế nào cho đúng. Vì nói thật lòng tôi vẫn thích được gọi bằng anh, gọi như thế có cảm giác gần gũi hơn. Tuy nhiên, khi một người quá trẻ tuổi gọi mình bằng anh tôi lại có cảm giác không ổn, y như thể tôi đang làm hay chứng kiến một điều gì đó sai trái mà không phản ứng. Ai nói rằng lối xưng hô không quan trọng là lầm. Giá như tiếng Việt có một từ xưng hô "trung tính" thì hay quá!

Trung tâm có năm tầng, trang bị cầu thang máy. Nhưng tôi rất ít khi dùng chúng, trừ những khi gần như là "bị" các cô ân cần dắt vào buồng thang máy, bấm giùm cả tầng đến. Ngoài những lúc như vậy tôi toàn leo cầu thang bộ. Nhiều lần các cô hỏi tôi đều bảo : "Đi như vậy để tập cho chân khỏe cô ạ". Nhưng ngoài lý do ấy không ai biết tôi cố đi như vậy, dù rất mệt vì tôi cảm thấy mắc mợ nơi này: Họ đã giúp tôi bằng cách cho học miễn phí, thế thì tôi không muốn làm tốn thêm của họ một khoản nào nữa vì tôi biết thang máy tiêu thụ một lượng điện rất lớn.


Khi quyết định đi học tôi đã dọn sẵn cho mình một tư thế là chấp nhận tất cả và cương quyết vượt qua mặc cảm. Nhưng đến giờ phút này tôi
cũng không dám chắc là mình đã làm được điều đó chưa. Bởi vì tôi vẫn chưa thể thản nhiên coi như không khi một ánh mắt nào đó bất chợt dừng lại trên thân thể không toàn vẹn của mình. Cũng may là các thầy và nhân viên ở đây rất lịch sự và niềm nở. Điều đó giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn. Kiến thức, tôi cần nó. Kỹ năng tôi cần nó. Và tôi cần cả những tấm lòng. Ngày xưa, căn bệnh bắt đầu khi tôi học lớp 8, bênh tiến triển tương đối chậm nhưng đến năm lớp 10 tôi đã bắt đầu đi đứng khó khăn . Môn học tôi sợ nhất là thể dục. Dù tôi đã cho thầy biết bệnh của mình nhưng thầy vẫn buộc tôi tham gia tập chạy. Mới đầu tôi cắn răng lại, khó nhọc chạy gằn từng bước cố theo kịp các bạn rồi sau đó đành lê từng bước một vì không thắng nổi cơn đau.  Và cuối cùng tôi đứng đó, đơn độc giữa sân trường mênh mông, tôi đứng đó mắt nhòa đi mà nghe những câu trêu chọc, những ánh mắt giễu cợt từ bọn học sinh vô ý thức.

Cho đến bây giờ, đã hơn 30 năm trôi qua, thỉnh thoảng trong giấc mơ tôi vẫn thấy mình chạy, chạy hoài mà không đến đích trong những tiếng châm chọc, dè bỉu: Ha ha, coi thằng xi cà que nó lết kìa! Lết đi, lết đi, lết tới tết Congo luôn đi!

Những vết mỗ trên người tôi mãi vẫn chưa hết đau. Mỗi lần leo lên chiếc xe gắn máy để đứa cháu chở đi học mặc dù đã cử động rất chậm, vẫn có lúc cột sống tôi đau nhói. Suốt đoạn đường từ nhà tới lớp
tôi luôn phải gồng cứng người, hai chân ghì chặt vào hai bên hông xe, hai tay chống hết sức xuống yên xe nâng người lên để cố làm giảm bớt sự rung lắc, vì bất cứ sự lắc lư nào cũng khiến tôi đau đến nỗi mặt mày xám ngắt. Thế nên khi đến nơi tay chân tôi mỏi rã rời.  Tôi cảm thấy mệt mỏi và đuối sức. Có lúc tôi thấy nản và muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục. Rồi đây không biết có một nơi nào mở vòng tay đón nhận một người khuyết tật như tôi, cho tôi một công việc để tôi được sống, được làm việc như một người bình thường và để tôi không mãi còn đeo đẳng cảm giác nặng nề rằng mình luôn mắc nợ cuộc đời này. Tôi không biết nhưng tôi vẫn phải cố gắng học để còn tìm cho mình một lối đi.

Chín tháng học vừa qua đã cho tôi nhiều thứ. Tôi kiên định hơn, kiềm chế hơn và tích lũy thêm nhiều kiến thức. Cám ơn An Tiến đã cho tôi những điều đó. Một lời cảm ơn hay thậm chí ngàn lời cám ơn cũng không sao nói hết sự trân trọng của tôi đối với trung tâm này, nơi lần đầu tiên tôi nhận được sự giúp đỡ về vật chất từ những người không là ruột thịt máu mủ của mình. Bài viết này xin xem như một cách thổ lộ nỗi niềm, bày tỏ lòng tri ân dù có thể là chẳng ai đọc bao giờ.


Không có nhận xét nào: