31 tháng 7, 2010

Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu


Nếu muốn hiểu được người khác, bạn phải 
thử đi đôi giày của họ,
nhìn bằng đôi mắt của họ,
nghe bằng đôi tai của họ 
và cảm nhận bằng trái tim của họ

Hẳn là bạn từng nghe câu này nhiều lần trong đời. Vốn là slogan của Prudential, nó đã trở thành câu nói cửa miệng, thậm chí câu vui đùa của nhiều người. Thế nhưng trong cuộc sống, không nhiều người làm được điều ấy, ngược lại, chúng ta thường gặp phải những người hoặc không biết lắng nghe hoặc luôn thao thao bất tuyệt không để cho người đối thoại có cơ hội chen vào lấy một câu! Có một điều rất hiển nhiên: “Để thấu hiểu được một sự thật, cần có hai người - một người để nói và một người để lắng nghe.” (It takes two to speak the truth: one to speak, and another to hear- Henry David Thoreau) nhưng điều đáng ngạc nhiên là không phải ai cũng hiểu được như vậy!

Dù trong lĩnh vực kinh doanh, nghề nghiệp hay các mối quan hệ giao tế trong xã hội, bạn cũng cần học cách cân bằng giữa hai kỹ năng nghe và nói. Thậm chí nên nói ít, nghe nhiều. Đâu phải ngẫu nhiên mà trời sinh con người có hai tai nhưng chỉ có một miệng?

Nếu cứ nói huyên thuyên mà không hề chú ý xem người đối thoại với mình có lắng nghe hay không, cũng như chẳng màng đến thái độ phản ứng của họ thì cuộc nói chuyện đó sẽ chẳng có mấy hiệu quả. Elbert Hubbard đã nói rất chí lý: “Những người không hiểu được sự im lặng của người khác, thì cũng chẳng hiểu được những gì họ nói. Khi nói, cần tránh nhiều lời chỉ để chứng tỏ rằng ta đây lắm kiến thức. Khi nghe, cần nghe chăm chú với thái độ chân thành và cởi mở, đừng chỉ mải nghĩ tới những việc mình sẽ nói tiếp theo và không chú ý lắng nghe những gì mà người khác đang nói.Nếu chỉ nghe mà không được trao đổi lại thì có thể dẫn đến hiểu lầm. Bởi vậy, nếu thấy chỗ nào còn mơ hồ, chưa hiểu rõ, bạn đừng ngại đặt những câu hỏi nhằm làm sáng tỏ vấn đề, ví dụ như: “Ý anh lúc nãy là…phải không ạ?”; “Anh có thể nói rõ hơn về điểm này, điểm này…không ạ?”

Nếu bạn không chăm chú lắng nghe là bạn không tôn trọng người nói và điều đó cũng có nghĩa là bạn đang bỏ lỡ những thông tin cần thiết hoặc đôi khi hết sức quan trọng từ người khác. Trong một lớp học về kỹ năng giao tiếp ở một trường đại học, một số sinh viên được mời lên trước lớp, bị bịt mắt lại và được phát cho một tờ giấy giống nhau. Sau đó họ cùng xé giấy theo hướng dẫn của giáo viên. Kết quả, mỗi người xé tờ giấy thành một sản phẩm khác nhau. Điều đó cho thấy, cùng một thông điệp, nhưng mỗi người nghe và hiểu theo một cách khác nhau! Một bài tập khác là “truyền tin”: 15 thành viên trong một nhóm sẽ lần lượt truyền một thông điệp cho nhau, từ người đầu tiên cho tới người cuối cùng. Một thông điệp khá dài về quy tắc bắt tay được người đầu tiên trong nhóm đọc đầy đù nhưng truyền tới người thứ 15 thì chỉ còn một câu ngắn ngủn là: Bắt tay từ 3 đến 5 giây! Các thông tin còn lại “rơi rớt” hết trên đường đi! Điều đó cho ta thấy thế nào là “tam sao thất bản” (Game show Tam Sao Thất Bản trên truyền hình là một minh họa sinh động cho vấn đề này).

Nghe là cả một nghệ thuật. Từ hiểu được sự cần thiết của việc lắng nghe, nghe như thế nào cho hiệu quả để lĩnh hội được thông tin cho đến nghe mà thấu cảm được với người nói đã là khó, nhưng cao hơn nữa là nghe thế nào để khơi gợi được cảm hứng của người nói lại càng khó gấp bội. Tuy nhiên tất cả điều đó hoàn toàn có thể học được.
Ai cũng cần học cách nói chuyện thật thuyết phục, tạo được thiện cảm và có duyên, đồng thời cũng biết cách lắng nghe chân tình, bởi vì đó chính là một trong những bí quyết dẫn tới thành công, đặc biệt nếu bạn làm việc trong lĩnh vực giao tế hoặc kinh doanh dịch vụ, điều đó còn có tính cách sống còn đối với nghề nghiệp của bạn. Trong thực tế ta thấy có những người ăn nói rất giỏi nhưng tại sao người khác vẫn không thích? Câu trả lời là vì họ thiếu đi sự chân thành. Người xưa luôn đề cao chữ “Thành”. Ngày nay cũng vậy, tuy nơi này nơi khác, xã hội đang lan tràn cơn bệnh của sự dối trá, nhưng sự chân thành của một người vẫn có ý nghĩa quyết định trong giao tiếp. Cho dù bạn học nghệ thuật giao tiếp tinh thông bao nhiêu, nếu như bạn ứng xử với người chỉ bằng “kỹ xảo” chứ không xuất phát từ thành ý, thì bạn sẽ không thể giao tiếp thật sự thành công. Những lời tốt đẹp không bao giờ thừa. Lời lẽ tốt đẹp và thắm đượm tình người có tác dụng tích cực đến sự giao tiếp và mối quan hệ. Bạn hãy tin rằng, những gì cho đi, những gì xuất phát từ trái tim ắt hẳn sẽ nhận lại được từ trái tim.

P/S: Đây vốn là bài viết dành cho website của công ty, thế nhưng tôi đã không có cơ hội để đăng nó lên. Từ những gì tôi vừa trải nghiệm, tôi muốn nói thêm rằng: Thông thường, thay vì "lắng nghe" với sự tôn trọng, nhiều người chỉ "muốn nghe" những gì mình thích; thay vì cư xử một cách công bằng và dân chủ, họ chỉ muốn thấy sự phục tùng tuyệt đối, thậm chí muốn những lời khen nịnh cho sướng tai chứ không cần nghe gì khác, đặc biệt là những người có nhiều quyền hành trong tay! Nếu trên thế giới này ai ai cũng biết lắng nghe và thực sự biết tôn trọng người khác thì cho dù chưa thể trở thành tri âm, tri kỷ, người ta cũng không đến nỗi trở thành kẻ thù của nhau!

Không có nhận xét nào: