10 tháng 8, 2008

Truyện ngắn hay: CHỊ GÁI



Chị ngồi trên phản, quần đùi thiệt ngắn, húp canh đánh sột. Canh dưa cải chua nấu thịt bò, món mẹ nấu mà chị thích nhất. Chị nói với về phía tôi, lúc ấy đang chúi đầu vào quyển giáo khoa lớp 8.

- Con Dinh sau này học vừa thôi nhé. Kiểu gì mày cũng xinh hơn chị. Cố học cách mà chọn chồng. Đàn bà chỉ cần có thế.
Học cách chọn chồng. Đó là tất cả những gì tôi còn nhớ về chị. Rõ nét nhất. Chân thật nhất. Chị lấy chồng Tây, rồi đi Tây năm tôi học lớp 10. Kể từ đó, hình ảnh của chị bị thời gian xóa dần đi như kiểu người ta xóa mực bút dạ trên bảng mica, chỉ mờ đi chứ không bao giờ sạch được, lâu ngày thành những vệt kéo dài loang lổ. Một năm chị gọi về nhà một lần. Lần nào cũng vào ngày 7 tháng 7 âm lịch. Có lần mẹ mắng:

- Tao với mày có phải Ngưu Lang - Chức Nữ đâu mà mày năm nào cũng gọi về ngày này hả con?

Mẹ khóc rưng rức lên. Đêm nằm tôi vắt tay lên trán. Thấy mình sao kỳ lạ. Đã bao lâu rồi, tôi quên mất cảm giác mình có một người chị gái.

Lúc tôi vào đại học, chị gửi quà về. Một cái vòng tay khắc tên tôi trên đó. Đến lớp lũ bạn xuýt xoa khen đẹp, hỏi mua ở đâu, bao nhiêu tiền... Tôi kể chị tôi cho.

- Dinh có chị gái à?

- Chị lấy chồng Tây, đi rồi.

- Sướng nhé!

- Ai sướng? Sướng thế nào?

Tôi gọi điện hỏi chị:
- Chị có sướng không?

Chị cười to trong điện thoại. Lảnh lót. Ngân dài. Mẹ bảo tiếng chị cười như tiếng khánh rung. Chắc tại mẹ đặt tên chị là Khánh.

- Mày lớn rồi Dinh ạ.

- Bao nhiêu năm có gặp đâu mà chị biết em lớn?

- Biết quan tâm đến chuyện sướng khổ là có lớn lên rồi.

- Thế chị sống thế nào?

- Người ta có hàng trăm nỗi lo hằng ngày. Tao thì chỉ có một. 5 giờ chiều mua cho được ổ bánh mì dài cho buổi tối vì thằng chồng nó thích bánh cửa hàng ấy. Và chỉ đúng 5 giờ chiều, hàng bánh mới nướng mẻ mới, không đến ngay thì hết. Nếu cuộc sống như thế được gọi là sướng, thì chị mày cũng sướng Dinh ạ.

Hôm ấy tôi gác máy. Thấy lòng lộn xộn, rối rắm.

Mùa hè ở miền Trung hanh hao dữ dội. Rừng rực như đứa con gái lúc nào cũng khát khao. Có đợt gió nào là được vuốt ve mơn trớn đợt ấy. Hết quãng rồi lại càng khát khao hơn. Mẹ xin ở đâu về được cái giường gấp vải dù bộ đội bạc thếch, nhìn là biết nặng trĩu gió sương. Không biết có đỡ thêm được nổi chút ân tình nào nữa không. Tôi gối đầu lên đùi mẹ, đợi đàn cò về. Mà chỉ đợi thế thôi chứ cò nào về trên mấy cái cột nhà bê tông nữa. Mẹ thì thầm thủ thỉ, như kiểu người ta kể chuyện cổ tích.

- Tóc con Dinh hoe hoe nhỉ! Không như tóc chị Khánh mày. Hôm trước xin mẹ đi làm xoăn phải không? Mai nhắc mẹ đưa tiền nhé. Đi học có cần gì không. Có để ý thằng nào chưa? Mẹ thấy thằng Vinh hay kiếm cớ sang tìm Dinh lắm đấy.

Tiếng mẹ lúc xa lúc gần. Miên man, bất tận. Cứ ủ ê như nỗi nhớ không vượt được khỏi bờ môi. Tôi thấy nước mắt mình đột nhiên rịn ra vô cớ.

- Mẹ ơi, sao chị Khánh không về?

Câu hỏi đập vào khoảng không, vỡ òa ra. Những mảnh vụn găm mỗi nơi một ít, nên cứ đau ri rỉ không thôi. Chiều tà, mẹ lại nấu canh cải chua với thịt bò. Tôi ôm mẹ từ sau lưng, hít hà.

- Mai mốt con chọn chồng giỏi hơn chị Khánh mẹ hén.

Vai mẹ gầy, khô cong đột nhiên nhũn ra, lềnh lệch. Hôm đó chắc có giọt nước mắt nào rơi lẫn vào nên bát canh dưa cải mặn hơn mọi khi.

Tháng mười một, trời miền Trung lênh láng nước. Gió mùa đông bắc oằn oại mãi cũng vượt qua được dãy đèo Hải Vân, vậy mà vẫn còn lạnh ghê lạnh gớm. Chị về, áo dạ tím, bốt cao, gõ lên hè đường lộc cộc. Cả ngõ chìa đầu ra xem đứa nào chơi trội, guốc dập hơn cả tiếng mưa. Chị chỉ nhoẻn miệng cười. Nhìn hiền thấy lạ!

Cả tuần cả nhà ăn canh dưa cải chua. Hôm thì với thịt bò, hôm lại với cá rô đồng, phần chiên giòn, phần nấu canh. Mẹ ngồi vuốt tóc chị, bảo:

- Sao tóc mày càng ngày càng đen thế hả Khánh?

Mẹ thở dài thườn thượt. Chị cũng chỉ nhoẻn miệng cuời. Cũng rất hiền.

Hàng xóm sang chơi, hỏi han tíu tít.

- Cô Khánh giờ nói tiếng Tây chắc còn giỏi hơn tiếng Việt.

- Ăn bánh mì, bít tết có khác. Cô Khánh trắng ra nhiều, nhìn cứ như Tây.

- Cô Khánh có anh bạn Tây nào giới thiệu cho con gái nhà bác với.

- Phen này nhà bà được nhờ nhé!

Chị lại cũng chỉ nhoẻn miệng cười. Chị Khánh của Dinh trước kia mặc quần đùi, húp canh sồn sột. Chị Khánh của Dinh ăn to nói lớn, mắng ai thì như hất cả bát nước vào mặt đừng hòng ngóc đầu lên. Chị đâu biết cười nhoẻn.
Chủ nhật, chị bảo Dinh.

- Cà phê không?

- Ừ.

Hai chị em vào một quán nhè nhẹ, có trúc có tre có bồn phun nước, bật nhạc giao hưởng nghe chừng cũng du dương lắm. Chị hỏi Dinh học hành thế nào, đã có nguời yêu chưa? Có định đi du học không, chị thấy bây giờ người ta đi nhiều lắm. Nếu muốn thì chị tính. Rồi chị lại hỏi mẹ có khỏe không? Có bệnh gì mà giấu không cho chị biết không? Nhà cửa có cần mua sắm gì không? Dinh bảo mẹ chỉ cần chị ở nhà. Thế là ngắt hết hàng loạt câu hỏi.

Chị uống nước cam. Dinh uống Coca. Quán chuyển sang phần nhạc trẻ. Quán càng lúc càng có thêm nhiều khách tầm độ mười tám hai mươi. Chị cười:

- Chắc lúc nãy chúng nó chê chị già.

Dinh lại ngắt:

- Chồng chị thế nào?

Mẹ đã dạy đàn bà may mắn, nhắc đến chồng mắt tự nhiên sáng rực lên. Mẹ bảo đó là hạnh phúc. Đàn bà bất hạnh, nhắc đến chồng tự nhiên lồng ngực siết lại, mắt mờ đi chao đảo. Dinh dò thử. Thấy chị chỉ ngồi yên.

Chị xin thêm ấm trà. Dinh gọi đĩa hạt dưa. Quán vẫn nhạc trẻ, ì ầm ở một góc xa. Chị hỏi Dinh có biết đánh bạc không? Dinh bảo chỉ mua vé số. Chị cười bảo đánh bạc mất nhiều hơn nhiều. Đàn bà mà chỉ mong ước hạnh phúc ở một nguời đàn ông thì giống như đánh bạc. Mà đã gọi là bạc thì chẳng bao giờ thắng. Chỉ là thua sớm hay thua muộn mà thôi. Nhưng rốt cuộc cũng là mất hết. Chị thì thích thua sớm. Gọn và nhẹ. Nỗi đau tụ lại như đá đông. Chứ mà thua muộn, thì đau lắm. Vì nỗi đau cứ pha lẫn hy vọng, rồi thỏa hiệp, rồi ám ảnh... Cả đời này cũng không thể dứt.

Trời muộn. Gió rát vào mặt. Chị ngồi sau xe máy, hai tay vòng qua người Dinh, mặt úp vào lưng Dinh thở khẽ. Chị thầm thì:

- Ngày xưa trời lạnh, cũng đã có người hay thổi vào lưng chị như thế.

Dinh ngạc nhiên:

- Tiểu tiết thế mà chị cũng nhớ nhỉ?

- Ừ, đàn bà si mê đàn ông vì tiểu tiết mà Dinh. Một chút hà hơi vào gáy lúc mùa đông đủ để bắt đầu "canh bạc". Sau này, ráng mà làm người đàn bà độc lập nghe Dinh.

Chị đi rồi. Miền Trung cũng thôi mưa. Mẹ ngồi gấp áo ngoài sân, mân mê vuốt cho hai tà phẳng lì, chiếc áo chị để quên ở nhà. Hàng xóm thở dài "Sao mà phải đìu hiu đến thế!". Đến mùng 7 tháng 7. Chị không gọi điện về. Sang đến rằm, chị vẫn không gọi. Ngày sinh nhật chị, chị cũng bặt tăm. Mẹ bảo Dinh gọi điện sang hỏi. Điện thoại không ai nhấc máy trả lời, xì xồ một tràng tiếng Pháp đã được cài đặt sẵn mà Dinh không hiểu. Ngày Noel rồi đến Tết ta. Đêm nào mẹ cũng nằm nghiêng. Gió ràn rạt qua ô cửa.

Dinh cũng nằm nghiêng. Không biết canh bạc của chị có phải đã thua sạch sành sanh. Mẹ bảo Dinh viết thư sang, nói chị Khánh thôi vứt hết mà về nhà với mẹ. Có canh dưa cải chua nấu thịt bò, nấu cá rô đồng.

Lại đến ngày mùng 7 tháng 7. Chị gọi điện về. Mẹ chửi um lên trong điện thoại. Chị cười, khoe vừa đi ngoại tình xong. Thằng chồng giận lắm. Nhưng chẳng chịu ly dị, sợ chị đòi chia tài sản. Chị cười khan trong điện thoại. Tay mẹ run, bấu vội lấy thành tủ. Dinh giật vội ống nghe, mắng:

- Chị điên đấy à?

Chưa hết câu đã nghe tiếng nấc đầu bên kia.

- Dinh à, chị vẫn còn chưa được thua hết. Ráng mà làm người đàn bà độc lập nghe Dinh!

Phan Ý Yên

Không có nhận xét nào: