27 tháng 9, 2008

NHÂN CHỨNG CỦA TÌNH YÊU


Tôi nằm ở bv chuyên khoa cột sống này đã hai tháng để chờ phẫu thuật. Nơi đây, những cảnh khổ đau tôi được chứng kiến có lẽ còn nhiều hơn những năm tháng đã qua của tôi. Nơi đây, dường như ranh giới giữa sự sống và cái chết càng trở nên mong manh. Nhưng có lẽ cũng chính nơi đây hai chữ tình người, tình yêu được thể hiên trọn vẹn nhất.

Chuyện tình Vân –Diệu tôi sắp kể đây là những gì tôi đã chứng kiến và cảm nhận trong những tháng ngày mà chính tôi cũng đang phải gồng mình để chiến đấu chống lại bệnh tật. Tôi chỉ kể lại một cách mộc mạc ,giản dị với tư cách là một nhân chứng tình cờ của tình yêu. Tôi không hề tô vẽ, cường điệu để tôn vinh nó.

Vào một ngày mùa thu, Diệu được cô hộ lý đẩy vào phòng 204 của tôi trên chiếc băng ca. Đó là một thanh niên trạc hai bảy, hai tám, mặt mày rắn rỏi nhưng trông rất xanh xao và đầy căng thẳng. Qua vài câu hỏi làm quen, cậu nhất định gọi tôi bằng anh mặc dù tôi lớn tuổi hơn cậu nhiều. Tôi còn nhớ mình đã giật thót cả người khi nghe cậu ta nói rằng mình bị ung thư. Cầm mảnh giấy chẩn đoán với dòng chữ" K cột sống" trên tay, tôi thấy tội nghiệp cho Diệu: cậu ấy còn quá trẻ !
Lúc đầu, Diệu tỏ ra cứng cỏi khi bảo rằng mình sẽ can đảm chấp nhận tình huống xấu nhất. Nhưng khi Diệu tuyên bố "Em sẽ tự sát nếu ca mổ chính thức xác nhận khối u trong cột sống của em là u ác" thì tôi biết tinh thần của cậu cũng không vững vàng gì. Từ đó, ngày nào tôi cũng trò chuyện với Diệu rất lâu. Tôi tìm cách an ủi động viên Diệu. Tôi kể cho Diệu nghe về cái chết của anh trai mình, về cuốn nhật ký mà trong đó, như một dự cảm về sự ra đi bất chợt của mình, anh đã ghi lại nỗi khát khao được sống để lo cho mẹ già và em bệnh. Nhưng anh vẫn phải ra đi. Anh ra đi trong nỗi tiếc thương của gia đình, bỏ lại người vợ sắp cưới đã đính hôn được ba năm trời. Chị vẫn ở vậy cho đến tận bây giờ. Và chiếc áo của anh mà chị xin má tôi giữ lại ngày chôn cất anh cũng đã theo chị đến tận bây giờ - sau hai mươi mốt năm dài đằng đẵng! Dường như Thần chết là một kẻ rất vô tình và hành động tùy tiện, có lẽ vậy nên trong sự bấp bênh của nó, sinh mệnh lại càng quý giá: Cần phải biết nâng niu và trân trọng cuộc sống!

Không biết những lời của tôi có tác động tới Diệu hay không. Nhưng từ dó Diệu thường sang nằm ở giường tôi để cùng trò chuyện, trong lúc cha Diệu chay qua, chạy lại hỏi han chăm sóc cho Diệu. Cha Diệu trông chất phác và đôi khi hơi chậm chạp vì tuổi tác. Mẹ Diệu có giọng nói thật hiền từ và dáng vẻ sang trọng. Trông bà cũng không được khỏe. Cũng may còn có Vân. Vân là người yêu của Diêu từ quê ra. Vân chỉ mới hai mươi lăm tuổi, dáng nhỏ nhắn và hơi gầy, không thật đẹp nhưng khá dễ thương với đôi mắt đen sâu hút. Cô rất dịu dàng và ít nói. Suốt ngày đến đêm, cô tận tình chăm sóc cho Diệu như một người vợ yêu chồng. Nhìn họ quấn quít bên nhau tôi mừng cho đôi bạn trẻ, nhất là Diệu. Mẹ Diệu kể "Khi tụi nó quen nhau gia đình cô không đồng ý vì Vân theo Công giáo mà Diệu lại là con trai út. Một thời gian sau, Diệu đổ bệnh. Khi biết mình mang bệnh nan y, mới đầu Diệu né tránh tình yêu của Vân nhưng cô gái ấy vẫn kiên trì. Gia đình cô cảm động trước tấm lòng của Vân nên đã chấp nhận coi Vân là con dâu. Vậy mà vẫn chưa hết những điều tiếng, có nhiều người ác miệng đi rêu rao là con Vân ưng thằng Diệu là khôn, thằng Diệu chết là nó sẽ hưởng hết gia tài của cô chú". Khi nói đến từ "chết", giọng người mẹ nghẹn hẳn đi, những giọt lệ bắt đầu lăn dài trên má ...

Căn phòng nhỏ có bốn giường, bốn bệnh nhân, nếu kể cả hai băng ca đặt giữa lối đi là sáu, cộng với người nuôi bệnh, cả phòng có khi có cả mười mấy người cùng sống,cùng sinh hoạt. Chuyện tình cảm của Vân Diệu hóa ra lại trở thành đề tài bàn luận vui vẻ của cả phòng. Thắng, mười bảy tuổi, bệnh nhân ở cùng phòng với tôi và Diệu là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất và cũng nhỏ bé nhất:Do cột sống bị cong vẹo, cơ thể không phát triển được nên trông nó gầy guộc và yếu ớt như một đứa con nít mười hai, mười ba tuổi! Một buổi sáng, thấy mắt Thắng hơi đỏ,tôi trêu “Thắng này! Đêm qua lo nhìn gì không ngủ mà đỏ cả mắt thế?” Thắng chưa kịp trả lời thì anh chàng Lân nằm cạnh giường tôi bồi thêm “Nó lo rình Vân với Diệu cả đêm ấy mà!” Tưởng Thắng chối, ai ngờ nó trả lời tỉnh queo “Suốt cả đêm hai anh chị đó ôm chặt cứng chẳng lúc nào rời ra cả !” Diệu chỉ nằm cười hiền khô,Vân cũng cười mà mặt đỏ như gấc. Tôi lại trêu “Tưởng chỉ nhìn sơ sơ thôi!Hóa ra lại rình suốt cả một đêm và rình kỹ đến nỗi biết người ta ôm chặt cỡ nào nữa kia? Có thật là hai anh chị không lúc nào rời nhau không?” Thắng vẫn hồn nhiên đúng kiểu một đứa con nít ...mười hai tuổi: “Thật chứ! Cả đêm cháu có ngủ chút nào đâu !?” Lân cười tinh quái “Thế em thấy có gì hấp dẫn ,kể anh nghe xem nào!”

Đến nước này thì Vân giãy nãy “Này, mấy ông tướng có im đi không? Đừng có đầu độc trẻ con nghe chưa!” Lân vẫn tếu táo:”Hôm qua thì thằng Thắng nó còn trẻ con thật nhưng ...sau một đêm "rình" thì nó đã thành người lớn rồi !” Mọi người cười ồ. Dường như Diệu - bệnh nhân đang mang bệnh ung thư ngặt nghèo lại cười to nhất, giòn giã nhất. Tiếng cười vang lên rộn rã trong căn phòng chật chội chất đấy những phận người không may mắn có một phong vị thật lạ lùng khó tả …

Nhưng đó chỉ là những giây phút vui vẻ hiếm hoi. Sức khỏe của Diệu ngày càng xấu đi và Vân cũng gầy sút hẳn. Những ngày tháng ấy là những ngày đau khổ cho gia đình Diệu. Cả chị của Diệu cũng bỏ dở công việc, bay từ Nhật về để lo cho em trai. Đó là một người phụ nữ khoảng ba mươi hai, ba mươi ba tuổi, xinh đẹp, cởi mở và hoạt bát nhưng bất hạnh thay, tôi nghe nói cô cũng đang mang trong người một căn bệnh nan y. Cha mẹ và chị Diệu cố giấu đau thương, vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần của đứa con trai út. Vân là y tá nên biết nhiều về bệnh của Diệu hơn chính Diệu và những người trong gia đình Diệu. Một hôm, Vân đưa cho tôi một xấp tài liệu nói về căn bệnh của Diệu.Đó là bệnh đa u tùy (Multiple myeloma). Lần đầu tiên tôi biết đến căn bệnh này, một bệnh ung thư máu nhưng lại gây tác hại cho xương, nhất là xương chậu và cột sống. Thảo nào khi xem phim X quang, bác sĩ bảo cột sống của Diệu bị khuyết ở nhiều đốt và Diệu ngày càng tỏ ra đau đớn khi đi lại. Tài liệu nói rằng thường thì người bệnh chỉ có thể chống chọi trong vòng hai đến ba năm.Khi tôi đọc xong tập tài liệu, Vân nghẹn ngào vừa khóc vừa nói"Đợi anh Diệu đỡ một chút là phải cưới liền thôi anh à! Chắc ành cũng không còn bao lâu nữa đâu!Em sợ không kịp"…Câu nói ấy nói lên tất cả tình yêu sâu nặng mà cô dành cho Diệu. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên má Vân, tôi cũng thấy rưng rưng. Tình cảm của người con gái này sao mà sâu đậm và thiết tha quá. Chợt nghĩ không biết như vậy là em bất hạnh hay may mắn nữa, Diệu ơi!

Ngày Diệu lên bàn mổ,gia đình cậu ta vô cùng căng thẳng. Tôi cũng tạm quên đi những ngày hoang mang chờ đợi được mổ và cầu nguyện rất nhiều cho Diệu. Ca mổ qua đi. Rồi những ngày chờ đợi kết quả sinh thiết khối u. Thật hồi hộp và căng thẳng. Diệu tỏ vẻ đau đớn và hoang mang. Cậu đòi tự tử. Chỉ còn hai ngày nữa là tôi được phẫu thuật, tôi rất lo không biết mình có bị hoãn mỗ như những lần trước nữa không. Tôi cố gắng tập trung tinh thần để viết thật nhanh một bài thơ tặng Diệu nhằm động viên cậu ta :

Từ phương trời anh em ta hội ngộ

Giữa xót xa nghịch cảnh vô cùng

Hai cuộc đời một nỗi đau chung

Hai thế hệ, hai tâm hồn đồng cảm

Em vật vã tuôn trào dòng lệ thảm

Anh ngậm ngùi lặng lẽ cầu xin

Mong ơn trên rộng lượng thương tình

Ban bình an một đời trai trẻ

Em muốn chết? Ừ thì rất dễ

Sống mới nghìn lần gian khó em ơi!

Dù nỗi đau vắt kiệt sức ta rồi

Ta vẫn nở nụ cười dù héo hắt

Đời là thế! Em lo gì đươc-mất?

Ta cắn răng vững gót làm người

Không đầu hàng, bỏ cuộc, buông xuôi

Còn hơi thở là không thôi hy vọng!

Dù chỉ một ngày thân ta được sống

Là một ngày trọn vẹn với tình thương

Để mai sau dù cất bước lên đường

Không hối tiếc, không nghẹn ngào, tủi hổ

Còn cơ hội đừng bao giờ từ bỏ

Phải đấu tranh chống chọi tới cùng

Vì đời em đã hóa cuộc đời chung

Của bao người yêu thương trông đợi

Em chán nản nghĩa là em có tội

Hãy vững vàng tiến bước em ơi!

Tuy đó chỉ là một bài thơ ...con cóc nhưng khi đọc xong, Diệu vừa khóc vừa cám ơn tôi, rồi hết sức bất ngờ cậu cầm lấy tay tôi và hôn thật trìu mến. Vừa cảm động, vừa ngượng ngùng, tôi chỉ biết đứng lặng không biết phải nói gì ...Chị của Diệu trông thấy thế, xúc động đến nỗi ngất xỉu. Lúc đó tôi mới biết đích xác là cô bị một loại bệnh tim hiếm gặp và không chữa được .

Cuối cùng, kết quả ca mổ của Diệu cũng đã có.Nó tốt đẹp hơn cả sự mong đợi của tất cả chúng tôi, đến nỗi vị bác sĩ trưởng khoa đã đến chúc mừng cha mẹ Diệu. Tôi cũng lần dò từng bước đến phòng Diệu để chia vui cùng cậu. Diệu cảm động lắm và một lần nữa lại hôn tay tôi. Trong nỗi hân hoan vui sướng, tôi tự hỏi có kết quả tốt đẹp đó phải chăng là nhờ sức mạnh kỳ diệu của tình yêu? Tôi không biết chắc nhưng tôi thật sự muốn tin như thế.

* * * * * * *

Chiều nay Diệu và Vân đến thăm tôi. Họ lên Đà Lạt để hưởng tuần trăng mật. Nét mặt họ thật rạng rỡ vì hạnh phúc trong cái nắng dìu dịu của một ngày mùa thu. Đã một năm trôi qua kể từ ngày chia tay, giờ đây chúng tôi nhắc lại chuyện cũ thật vui vẻ. Sau khi nhắc đến Thắng và Lân, Diệu đề nghị tôi chép lại cho Diệu một bản của bài thơ con cóc ngày nọ vì cậu lỡ để lạc mất rồi. Tôi cười bí mật:”Rồi em sẽ lại được đọc nó sớm thôi mà!“. Diệu tỏ vẻ thắc mắc nhưng tôi chỉ nói: ”Đến lúc đó em sẽ biết! Giờ thì xin chúc mừng hai nửa đã được kết hợp làm một !". “Diệu trêu tôi:”Chúc anh cũng tìm được nửa kia của mình !”

Tôi mỉm cười, lòng thầm nói “Vân ơi!Diệu ơi! Tình yêu của các em đẹp quá! Các em hãy biết nâng niu trân trọng nó suốt đời nhé!”

Khi chia tay, tôi dõi theo bóng hai bạn trẻ đang dần xa khuất giữa chiều phố núi mờ sương và chắp tay thầm cầu mong cho họ mãi mãi hạnh phúc và may mắn. Còn mình? Tôi cười nhẹ, lòng không khỏi gợn lên một nỗi bùi ngùi lẫn xót xa "Không biết một người như mình có quyền mơ ước xa vời như vậy không?"

Không có nhận xét nào: